25 năm qua, kể từ ngày Bệnh viện Từ Dũ - nơi đầu tiên trong nước thực hiện thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm, đến nay đã có hàng chục ngàn em bé chào đời bằng kỹ thuật này tại đây.
Hôm nay 27.4, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày chào đời của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam (1998 - 2023), và mở rộng đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm.
Điểm đặc biệt là 3 bé đầu tiên chào đời bằng hỗ trợ sinh sản tại đây đúng vào dịp lễ 30.4.1998.
Vượt khó khăn, đặt "nền móng" cho thụ tinh trong ống nghiệm
Thời điểm đó (trước 1998), đứng trước tình trạng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh ngày càng nhiều, họ khát khao có được một đứa con, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) cùng tập thể bệnh viện đã nỗ lực để thực hiện thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Đến dự lễ kỷ niệm sáng nay, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nay chuẩn bị bước vào tuổi 80), nhớ lại: "Ngày đó, chúng tôi nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Khi đã bắt đầu làm phôi (sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng - PV), nhưng chưa có giấy phép của Bộ Y tế. Chúng tôi gặp Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ để xin ý kiến. Bộ trưởng nói "việc này Bộ phải xin phép và phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vì đây là việc "sản xuất" con người...".
Và rồi mọi việc được chấp thuận, năm 1997, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đến năm 1998, có 3 em bé đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ cũng là đầu tiên trong nước chào đời bằng kỹ thuật tiên tiến này.
Những dòng chia sẻ của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng giúp những người tham dự hiểu được thời điểm đó, dù điều kiện, trang thiết bị y tế trong nước còn khó khăn nhưng tập thể Bệnh viện Từ Dũ đã nỗ lực về chuyên môn, về ngoại giao trong và ngoài nước. Nhờ đó bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đem lại niềm vui cho bao cặp vợ chồng "trục trặc" về đường sinh nở.
Đến dự, PGS-TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói: Bệnh viện Từ Dũ là "cái nôi" đầu tiên trong nước thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tri ân sâu sắc đến một thế hệ thầy thuốc, đứng đầu là Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã dày công, vượt qua mọi khó khăn lúc bấy giờ, triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu, mang lại niềm hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn... PGS-TS Tăng Chí Thượng mong muốn thế hệ thầy thuốc hôm nay xây dựng Bệnh viện Từ Dũ trở thành bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa hàng đầu khu vực ASEAN.
Được gặp lại "ngoại Phượng"
Ban đầu, dự định cả 3 bé đầu tiên chào đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ cùng ngày 30.4.1998. Nhưng sau đó có 1 bé chào đời trước vào ngày 29.4.1998, đó là Mai Quốc Bảo; 2 bé chào đời vào sáng hôm sau (ngày 30.4.1998) là Lưu Tuyết Trân và Phạm Tường Lan Thy.
Lưu Tuyết Trân cùng mẹ là bà Trần Thị Bạch Tuyết (ngụ Tiền Giang) đến dự lễ, chia sẻ với PV Thanh Niên, Tuyết Trân nói: "Em rất vui! Rất biết ơn khi bệnh viện nhớ đến hai mẹ con em. Hôm nay em được gặp lại "ngoại Phượng" (GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - PV) và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, bác sĩ Hồ Mạnh Tường (những bác sĩ thuộc thế hệ đầu tiên triển khai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Từ Dũ - PV). "Ngoại Phượng" và các bác sĩ nói, em lớn nhanh và... xinh lắm!"
Cô gái 25 tuổi Lưu Tuyết Trân hiện đang làm việc tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch giao thông thủy bộ (ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang). Trân cho biết "Từ nhỏ đến nay em luôn mạnh khỏe. Ba mất từ lúc em mới 2 tuổi, em ở với mẹ..."
Còn chàng trai cao 1,78 mét Mai Quốc Bảo chia sẻ với PV Thanh Niên, Bảo sẽ gắn bó lâu dài với ngành logistics. Bảo tốt nghiệp đại học và làm ở lĩnh vực này tại TP.HCM được 2 năm nay; hiện Bảo đang ở với ba tại TP.HCM, còn mẹ Bảo mất 5 năm trước...
Mang niềm vui đến các cặp vợ chồng
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Hải - Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ, 25 năm trước, khi còn trẻ, bác sĩ Hải rất tự hào chứng kiến bệnh viện đón những em bé đầu tiên chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm. Niềm vui vỡ òa của các gia đình có được đứa con khi đó làm bác sĩ Hải luôn nhớ mãi. Và hôm nay gặp lại những em bé ngày ấy, bác sĩ Hải bồi hồi, xúc động.
Ở "tuổi 25", Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới; đã song hành cùng sự phát triển của y khoa thế giới về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Từ khi thành lập Khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã có 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm chào đời tại đây.
Tỷ lệ điều trị hiếm muộn, vô sinh thành công của Bệnh viện Từ Dũ cao tương đương với những trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên thế giới (tỷ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ hơn 45%).
Bệnh viện Từ Dũ hiện ứng dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới mà thế giới đang làm, như: kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), kỹ thuật MESA-ICSI (MESA là kỹ thuật lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh), PESA-ICSI (PESA là kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh), TESE-ICSI (TESE là kỹ thuật phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn), kỹ thuật giảm thai, nuôi phôi, trữ phôi nhanh, trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser (LAH), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), mang thai hộ và bảo tồn khả năng sinh sản với trữ giao tử hoặc trữ mô buồng trứng.
Dịp này, Bệnh viện Từ Dũ đưa vào hoạt động khu chăm sóc bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn mới với trang thiết bị hiện đại, tại lầu 8 tòa nhà khu B.
Trao đổi với Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Thị Minh Châu - Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, cho biết hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận 250 - 300 trường hợp đến khám về hiếm muộn, vô sinh. Bình quân một năm khoa điều trị từ 4.500 - 5.000 chu kỳ (cả phôi tươi và phôi trữ).
Bình luận (0)