25% nhà ở Dubai được in bằng máy in 3D vào năm 2025

Thu Thảo
Thu Thảo
20/05/2018 17:12 GMT+7

Công nghệ in 3D có thể sớm hậu thuẫn, cải thiện rất nhiều mặt trong đời sống nhân loại, từ việc in các bộ phận thay thế trên cơ thể con người cho đến hỗ trợ sửa chữa trong hành trình bay đến sao hỏa.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, ngoài hai ứng dụng lớn kể trên, công nghệ in 3D còn có thể được dùng để xây nhà. Dubai, thành phố thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa tiến thêm một bước trên con đường biến giấc mơ ứng dụng 3D thành hiện thực khi công bố đến năm 2025, 25% số tòa nhà mới của thành phố sẽ được thực hiện bằng máy in 3D.
Động thái này là một phần trong chiến lược in 3D đầy tham vọng được người lãnh đạo Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum công bố năm 2016. Chiến lược in 3D nhằm giảm 70% lực lượng lao động, 90% chi phí sử dụng trong nhiều ngành nghề, theo Quỹ Tương lai Dubai.
Quan trọng hơn, xây dựng bằng công nghệ in 3D có thể giải quyết cuộc khủng hoảng vô gia cư, giúp nhiều người có cơ hội sống ở thành phố hơn. Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2030, thế giới sẽ có 41 siêu đô thị có số dân vượt 40 triệu người.
Quỹ Tương lai Dubai cung cấp lộ trình để chính phủ xem xét và chuẩn bị cho cách công nghệ này sẽ thay đổi các ngành công nghiệp trong tương lai. Quỹ đặt mục tiêu biến Dubai thành “trung tâm công nghệ in 3D” của thế giới vào năm 2030.
Tiềm năng ngành công nghiệp xây dựng bằng phương pháp in 3D được thử nghiệm trong năm 2016 khi Dubai mở cửa tòa nhà được họ cho biết là công trình đầu tiên được thực hiện bằng công nghệ này. Tòa nhà có tên “Văn phòng tương lai”, được tạo ra bằng máy in 3D bê tông với cánh tay robot dài 6 mét và rộng 12 mét.
Công nghệ in 3D có thể giải quyết nhu cầu nhà ở giá phải chăng trong tương lai Ảnh: Office of the Future
Số lao động cần có để hoàn tất tòa nhà chỉ gồm một kỹ thuật viên giám sát máy in, 7 người lắp đặt toà nhà, và nhóm gồm 10 thợ điện cùng chuyên gia để theo dõi kỹ thuật cơ khí, điện. Công nghệ 3D được thiết kế để tiết kiệm lao động và năng lượng. Quỹ cho hay tiến hành theo cách này, chi phí lao động được giảm hơn 50% so với việc xây dựng truyền thống.
Hoạt động in ấn kéo dài 17 ngày và tòa nhà văn phòng được dựng lên ở dưới Emirates Towers, trung tâm Dubai, chỉ trong hai ngày. Hoạt động xây dựng kế tiếp là xây dựng dịch vụ, nội thất và cảnh quan thì mất khoảng ba tháng. Nội thất tòa nhà rộng 250 mét vuông được thiết kế để tạo điều kiện cho sự pha trộn các tương tác sáng tạo, hoạt động làm việc yên tĩnh và các “cuộc họp ngẫu hứng”.
Ngoài ra, tòa nhà cũng được thiết kế để “cực kỳ tiết kiệm năng lượng”. Nó có thể tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên, song cũng có thể che bóng mát cho bên trong tòa nhà bằng các chi tiết khắc kỹ thuật số trên cửa sổ. Điều này trực tiếp giảm nhu cầu điều hòa không khí và ánh sáng. Các tính năng khác hỗ trợ tính bền vững gồm: 100% chiếu sáng bằng đèn LED, hệ thống xây dựng đáp ứng, cảnh quan xanh, hệ thống điều hòa không khí và làm mát dùng ít năng lượng.
Không chỉ có Dubai, nhiều thành phố khác cũng nỗ lực trong việc xây dựng bằng phương pháp in 3D. Nantes ở Pháp tuyên bố họ là nơi đầu tiên tạo ra được ngôi nhà từ kỹ thuật in 3D. Ngôi nhà có 5 phòng, rộng 95 mét vuông sẽ là nhà của một gia đình đủ điều kiện nhận hỗ trợ xã hội từ tháng 6 tới đây. Hiện chính quyền thành phố Nantes đang xem xét việc phát triển cả một quận gồm những căn nhà in bằng công nghệ 3D như trên.
Thế giới đang có nhu cầu nhà ở giá rẻ, theo Báo cáo tài nguyên thế giới năm 2017. Ước tính có khoảng 330 triệu hộ gia đình thành thị có nhu cầu nhà ở giá phải chăng. Con số này được dự báo tăng hơn 30% lên 440 triệu hộ gia đình, tương đương 1,6 tỉ người, vào năm 2025. Thị trường cho công nghệ in ấn 3D toàn cầu được dự báo đạt 32,78 tỉ USD vào năm 2023.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.