3 đề xuất sửa đổi chính sách trợ cấp thất nghiệp đáng chú ý

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
08/12/2024 05:09 GMT+7

Quốc hội hiện đang xem xét dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5.2025, với nhiều đề xuất quan trọng liên quan đến chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Hiện tại, theo Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng.

3 đề xuất sửa đổi chính sách trợ cấp thất nghiệp đáng chú ý- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục về trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Lý do, hiện nay mức đóng bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, trong khi đó, giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng cao. Do đó, mức hưởng 60% chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động trong thời gian thất nghiệp và kiếm việc mới.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị cho người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn chưa từng nhận trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được hoàn trả 50% số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB-XH, mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành bằng 60% được xem là thu nhập tối thiểu nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động khi mất việc làm, và điều này phù hợp điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.

Đối với đề xuất cho phép người lao động khi nghỉ hưu mà chưa từng hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhận lại 50% số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm và người mất việc làm. Do vậy, việc hoàn trả sẽ không phù hợp nguyên tắc hoạt động của quỹ.

Đề xuất bổ sung diện đóng bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề xuất mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm:

  • Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay là từ 3 tháng trở lên).
  • Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
  • Người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã.

Điều chỉnh điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung các trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định của Bộ luật lao động.
  • Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Tuy nhiên, đề xuất này bị nhiều bên phản đối, vì có thể đẩy người lao động rơi vào tình cảnh "khó càng thêm khó".

Nâng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp

Ngoài chính sách trợ cấp thất nghiệp, quá trình sửa đổi luật Việc làm cũng có điểm đáng chú ý là nâng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp.

Hiện nay, có rất ít người lao động thất nghiệp mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề của nhà nước. Một phần vì mức hỗ trợ học nghề chỉ đang dừng lại ở việc giải quyết nhu cầu học nghề cho người lao động thất nghiệp mà chưa thực sự có giải pháp hỗ trợ họ phát triển trình độ và kỹ năng nghề.

Theo Quyết định 17 năm 2021, mức hỗ trợ tối đa cho khóa đào tạo nghề đến 3 tháng là 4,5 triệu đồng/người/khóa, còn đối với khóa đào tạo trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.