Trang Quartz cho hay, theo hồ sơ nộp lên Sàn Giao dịch chứng khoán Thượng Hải hôm 27.5, Alibaba, Baidu, Tencent đều đang mua cổ phiếu của Foxconn Industrial Internet (FII), một trong các đối tác sản xuất iPhone chính cho Apple. Alibaba, Baidu và Tencent, hay còn gọi là nhóm BAT, là ba hãng thương mại điện tử, tìm kiếm và mạng xã hội hàng đầu Đại lục. Khoản đầu tư vào FII đánh dấu động thái rót vốn đồng thời hiếm có của ba hãng, chỉ ra rằng họ đang vừa mở rộng kinh doanh, vừa phát triển mối quan hệ với Bắc Kinh.
tin liên quan
Công ty con của Foxconn có thể là IPO lớn nhất Trung Quốc từ năm 2015Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới của FII được đánh giá sẽ là một trong các đợt IPO lớn nhất Trung Quốc trong ba năm qua, định giá FII ở mức 43 tỉ USD tại thời điểm lên sàn. Theo hồ sơ nộp lên sàn Thượng Hải, nhóm BAT mỗi hãng mua 21.786.000 cổ phiếu FII, chiếm 3,86% cổ phần.
Dù số cổ phần nói trên nhỏ, nhưng việc ba đối thủ cạnh tranh đồng loạt rót vốn vào cùng một doanh nghiệp là rất bất bình thường. Không giống như cách Google, Facebook và Apple cạnh tranh tại Mỹ là các hãng thường “giẫm lên chân nhau” ở các mảng như thanh toán di động, thương mại điện tử và tìm kiếm, nhóm BAT ở Trung Quốc thường không nhập nhằng trong hướng đầu tư. Đơn cử, các startup nhận vốn từ Tencent thường bị cấm nhận tiền từ Alibaba và ngược lại. Vậy tại sao giờ đây ba hãng đều cùng đầu tư vào FII?
Alibaba và Tencent đều đang tích cực đẩy mạnh các trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Bộ ba BAT thì đồng loạt đầu tư vào công nghệ ô tô. Với tư cách một hãng sản xuất, FII có thể chứng minh mình có giá trị với ba ông lớn internet.
Song ở Trung Quốc, đôi khi chính trị cũng là một phần lý do. Bắc Kinh đang khuyến khích nhiều doanh nghiệp nước nhà niêm yết tại gia, sau khi chứng kiến một loạt tên tuổi lớn Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn Hồng Kông và Mỹ các năm qua. Giới chức dường như đang định vị đợt IPO của FII là kiểu mẫu để giúp nước này có nhiều IPO trong nước hơn. FII được phê duyệt kế hoạch IPO chỉ sau hơn một tháng nộp đơn xin niêm yết, trong khi hầu hết các doanh nghiệp muốn lên sàn Đại lục phải đợi từ 1-2 năm.
Dù BAT là ba hãng lớn của Trung Quốc, không hãng nào niêm yết cổ phiếu ở Đại lục. Một startup "kỳ lân" khác của Trung Quốc là Xiaomi thì chọn cách niêm yết trên sàn Hồng Kông thay vì ở Thượng Hải hay Thâm Quyến. Nếu những doanh nghiệp lớn Trung Quốc mất lòng quê nhà vì chọn niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, họ có thể lấy lòng lại phần nào bằng cách rót vốn vào một doanh nghiệp hứa hẹn sắp lên sàn quê hương.
Bình luận (0)