3 năm nghiên cứu về công cụ đánh giá học sinh, 2 nữ sinh giành giải nhất

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/12/2022 14:49 GMT+7

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, 2 nữ sinh sư phạm đã giành giải nhất giải thưởng của Bộ GD-ĐT với đề tài Xây dựng công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh THPT đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại TP.HCM.

Trăn trở với cách đánh giá năng lực STEM của học sinh THPT, ngay khi bước vào năm nhất, Trần Thị Xuân Quỳnh và Nguyễn Phương Uyên, sinh viên ngành sư phạm vật lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã bắt tay vào thực hiện nghiên cứu đề tài Xây dựng công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh THPT đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại TP.HCM.

Suốt hơn 3 năm theo đuổi, dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga (Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), đến bây giờ khi đang là sinh viên năm cuối, đề tài của 2 nữ sinh đã hoàn thiện và giành giải nhất giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên 2022 của Bộ GD-ĐT.

Đánh giá đúng năng lực thì giáo dục STEM mới hiệu quả

Theo Xuân Quỳnh, tại Việt Nam, STEM trở thành mô hình giáo dục hiện đại, hướng đến mục đích phát triển đạo đức, trí tuệ, hạnh phúc và tiềm năng tương lai một cách toàn diện cho người học. Việc nghiên cứu và phát triển giáo dục STEM đang được các nhà giáo dục tập trung nghiên cứu, thúc đẩy phát triển và đạt những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về năng lực STEM của học sinh (HS) ở nước ta còn rất ít, một số tác giả có đề cập đến năng lực STEM nhưng chưa khảo cứu sâu về định nghĩa, cấu trúc năng lực STEM.

Xuân Quỳnh (trái) và Phương Uyên trong khoảnh khắc vui mừng vì đề tài đạt giải nhất

nvcc

"Ngoài ra, các công trình nghiên cứu về giáo dục STEM không đề cập trực tiếp năng lực STEM mà phân tích năng lực chung và năng lực đặc thù thông qua bài học STEM dẫn đến sự bất cập khi kiểm tra, đánh giá năng lực của người học. Bên cạnh đó, còn tồn tại những khó khăn nhất định khi triển khai chương trình dạy học tích hợp theo định hướng giáo dục STEM. Trong đó, khó khăn lớn nhất là về việc kiểm tra, đánh giá kết quả", Xuân Quỳnh nhận định.

Theo Quỳnh, đánh giá năng lực người học không phải chỉ đưa ra những nhận xét, kết luận có tính khách quan về quá trình và kết quả học tập, rèn luyện mà còn cần phải chú trọng xác định được những điểm mạnh, điểm yếu trong năng lực của HS. Qua đó, tìm ra phương hướng điều chỉnh hợp lý để nâng cao chất lượng học tập của người học, có biện pháp giúp HS không ngừng tiến bộ, phát triển các năng lực và phẩm chất cần thiết góp phần đảm bảo các mục tiêu giáo dục đã đề ra.

"Việc chuẩn hóa công cụ đánh giá năng lực STEM của HS phù hợp thực tiễn còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai giáo dục STEM đạt hiệu quả", Quỳnh cho hay.

Theo đó, công cụ đánh giá năng lực STEM mà 2 nữ sinh đưa ra với khung cấu trúc đã được chuẩn hóa, gồm các chỉ số về năng lực thành tố và hành vi, bảng kiểm quan sát, phiếu tự đánh giá năng lực STEM của HS và phiếu hỗ trợ GV đánh giá năng lực HS.

Giúp học sinh phát huy năng lực và khắc phục hạn chế

Với công cụ đánh giá này, Xuân Quỳnh và Phương Uyên đã tiến hành thử nghiệm đối với quy mô lớp học trên địa bàn TP.HCM khi HS học tập bài học STEM, chủ đề STEM cụ thể. Theo đó, đối tượng thử nghiệm là 29 HS lớp 11A1 Trường THCS - THPT Hoa Sen, năm học 2021 - 2022 và thực nghiệm trên 2 chủ đề STEM liên tiếp.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, giảng viên hướng dẫn, có mặt chung vui với 2 nữ sinh trong ngày nhận giải thưởng

nvcc

Đồng thời 2 nữ sinh cũng đã tiến hành khảo sát trên diện rộng với 9 trường THPT các loại hình trường khác nhau như công lập, chuyên, dân lập, quốc tế gồm 887 HS.

"Kết quả cho thấy giáo viên có thể xác định những điểm nổi bật và hạn chế trong năng lực của HS, từ đó có định hướng hỗ trợ các em trong việc học tập và bồi dưỡng năng lực, thúc đẩy động cơ học tập, hình thành thói quen tốt, nuôi dưỡng đam mê, nhận ra giá trị của riêng mình", Phương Uyên chia sẻ.

Nói về quá trình thực hiện một đề tài mang tính chuyên môn sâu và đòi hỏi sự am hiểu, trải nghiệm này, Xuân Quỳnh cho hay: "Trong quá trình nghiên cứu, tụi em gặp rất nhiều khó khăn. Đáng kể đến là quá trình thực hiện khảo sát HS các trường trên địa bàn TP.HCM do lúc đó là thời điểm giao thoa giữa dịch Covid-19 và giai đoạn 'bình thường mới'. Tụi em vừa phải khảo sát online vừa offline để đảm bảo được số lượng mẫu dự kiến".

Bên cạnh đó, vì năng lực STEM và việc chuẩn hoá khung cấu trúc năng lực STEM là vấn đề khá mới nên trong quá trình tiếp cận, Quỳnh và Uyên khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm cũng như sự nghi ngờ của nhiều người trong quá trình khảo sát, thử nghiệm. Chưa kể dung lượng công việc cần thực hiện của đề tài là rất lớn nên cả 2 phải sắp xếp, cân chỉnh thời gian để không ảnh hưởng tới việc học và các hoạt động khác.

"Kết quả này chỉ đang là tiền đề mở đầu cho những nghiên cứu tiếp theo. Trong tương lai, nhóm em sẽ tiếp tục nghiên cứu giải quyết hạn chế của đề tài để có thể áp dụng, triển khai rộng rãi công cụ đánh giá này tại các trường trên địa bàn TPHCM", Xuân Quỳnh chia sẻ thêm.

Phải am hiểu sâu sắc giáo dục STEM

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, 2 sinh viên đã có một quá trình trải nghiệm nghiên cứu vất vả từ khi còn năm nhất. Trong 2 năm đầu, các em phải nghiên cứu làm quen về lý luận giáo dục STEM, cách xây dựng các chủ đề STEM gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cách tổ chức triển khai dạy học ở trường THPT, sau đó mới nghiên cứu sâu về công cụ đánh giá.

Do đó, để nghiên cứu về năng lực STEM và xây dựng công cụ đánh giá năng lực cho HS, đòi hỏi các em ấy phải rất am hiểu về thiết kế và dạy học theo giáo dục STEM. Các em đã có được kết quả xứng đáng và giành giải nhất giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên 2022 của Bộ GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.