Đổi mới cách ra đề, hạn chế học thuộc lòng
Từ tuần này trở đi đến hết tháng 12, học sinh (HS) THCS, THPT tại TP.HCM sẽ bước vào kỳ kiểm tra đánh giá học kỳ 1 năm học 2022 - 2023.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các trường đánh giá học sinh lớp 6, 7, 10 bằng nhận xét kết quả học tập đạt hay chưa đạt các môn học giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… Những môn học còn lại như toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, khoa học tự nhiên… thực hiện đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Và hình thức, cấu trúc đề kiểm tra học kỳ 1 là tự luận hay trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỷ lệ các mức độ câu hỏi… do hiệu trưởng quyết định sau khi họp thống nhất với tổ chuyên môn.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cũng nói rằng Chương trình GDPT 2018 định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Vì vậy đề kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của HS lớp 10 cũng phải đổi mới cách ra đề, hạn chế việc bắt HS học thuộc lòng, ghi lại, chép lại các kiến thức lý thuyết hàn lâm mà thay vào đó là các tình huống thực tiễn để HS vận dụng kiến thức và giải quyết.
Học sinh lớp 10 năm nay lần đầu tiên học và thi theo chương trình giáo dục mới |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Đơn cử ở môn hóa học là bộ môn thiên về khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống, các câu hỏi kiểm tra sẽ xoáy sâu vào những ứng dụng của môn học vào đời sống, các câu hỏi gắn với thực hành, thí nghiệm. Tuy nhiên, dù đề kiểm tra có ra theo hướng tiếp cận nào cũng phải đảm bảo yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT 2018. Đây là căn cứ để xây dựng đề kiểm tra theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học sát nhất, tránh ra lan man, ra đề vượt chương trình, vượt yêu cầu cần đạt sẽ dễ gây áp lực cho người học.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh nhấn mạnh hơn: “Chương trình môn hóa học ở lớp 10 năm nay thiên về học hiểu sâu bản chất, ứng dụng của hóa học, đã mất dần các bài toán hóa học vô nghĩa và không có bản chất hóa học trước đây. Vì vậy giáo viên có thể sáng tạo và ra nhiều kiểu câu hỏi để tăng tính thú vị của đề kiểm tra, làm người học hiểu bản chất thực và ý nghĩa của môn học phục vụ cho việc định hướng nghề nghiệp, ngành nghề sau này có liên quan”.
Nếu vẫn giữ cái cách ra đề như chương trình lớp 10 cũ thì có thể HS không thể làm tốt vì định hướng 2 chương trình khác nhau.
Ông TÔ LÂM VIỄN KHOA
Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Đối với môn ngữ văn, người phụ trách chuyên môn của Sở GD-ĐT lưu ý GV tránh dùng những văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra. Bên cạnh đó, tập trung vào xây dựng, thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới… Từ đó đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng HS chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Ngoài ra, Sở cũng khuyến khích các trường vận dụng kiểm tra đánh giá với học sinh khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12.
Đối với môn lịch sử, địa lý, lịch sử và địa lý, Sở yêu cầu các trường tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, câu hỏi mở nhằm tạo điều kiện cho HS biểu đạt chính kiến của mình, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực HS, khắc phục tình trạng ghi nhớ một cách máy móc.
Học sinh lớp 7 học môn tích hợp khoa học tự nhiên. Đây là môn mới trong Chương trình GDPT 2018 |
đào ngọc thạch |
Tăng tính vận dụng, phát huy năng lực
Về nội dung và yêu cầu đề kiểm tra, ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ: “Chương trình GDPT 2018 năm nay khi áp dụng, không chỉ mới với HS mà còn cả với giáo viên. Do vậy nhà trường tổ chức kiểm tra tập trung HS theo toàn khối để có đánh giá mặt bằng chung chính xác, từ đó có những điều chỉnh kịp thời việc dạy và học vào học kỳ 2”.
Theo ông Khoa, chương trình lớp 10 năm nay không phải là khó mà là thay đổi về cách tiếp cận kiến thức mang tính ứng dụng thực tiễn. HS nắm kiến thức và từng bước hiểu biết kiến thức đó ứng dụng ra sao trong cuộc sống. Chính vì thế trường lưu ý giáo viên bộ môn khi ra đề tập trung vào phát huy năng lực và phẩm chất của HS, khác với cách ra đề những năm trước nặng về kiến thức, giải bài tập. “Cho nên nếu vẫn giữ cái cách ra đề như chương trình lớp 10 cũ thì có thể HS không thể làm tốt vì định hướng 2 chương trình khác nhau”, ông Khoa nhấn mạnh.
Chẳng hạn với môn ngữ văn, ngoài chọn ngữ liệu phù hợp với yêu cầu chung về đảm bảo tính chính xác, nguồn gốc… thì còn phải đáp ứng được các tiêu chí để biên soạn câu hỏi trắc nghiệm kiến thức. Vì thế nhà trường đề nghị các tổ chuyên môn làm đề phải chuẩn để câu trắc nghiệm đánh giá được quá trình học của HS.
Xu hướng đề kết hợp trắc nghiệm với tự luận
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho hay đề kiểm tra môn lịch sử của trường sẽ thiết kế kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ 4:6. Về nội dung có tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chủ yếu là các câu hỏi mở nhưng mức độ khoảng 10 - 30%. Phần nhận biết thông hiểu kiến thức sẽ nằm trong các câu hỏi trắc nghiệm, còn phần tự luận dành cho vận dụng kiến thức.
Còn ở bậc THCS, một giáo viên dạy lịch sử - địa lý tại Q.1 cho biết đề kiểm tra môn này có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% câu hỏi tự luận. Nhóm trưởng môn lịch sử và nhóm trưởng môn địa lý sẽ phối hợp, thống nhất với nhau về tỷ lệ cụ thể cho từng phần theo cấu trúc và ma trận. Đương nhiên các câu hỏi phải mang tính chất định hướng phát triển năng lực của HS.
Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết có một số thay đổi trong kỳ kiểm tra học kỳ 1 lớp 10 của trường này. Trước đây, ở lớp 10, cấu trúc đề kiểm tra có một số môn, chỉ thực hiện theo hình thức tự luận thì năm nay bắt đầu có một số câu hỏi trắc nghiệm. Cụ thể đó là môn ngữ văn, hóa học, tuy nhiên số câu hỏi không nhiều và chỉ mang tính chất thử nghiệm, chiếm 2 - 3 điểm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn, TP.HCM), cho hay về hình thức các bài kiểm tra không thay đổi, vẫn là tự luận hay trắc nghiệm hoặc tự luận kết hợp trắc nghiệm. Tuy nhiên nhà trường yêu cầu giáo viên biên soạn đề kiểm tra có tính vận dụng, phát huy năng lực HS chứ không theo kiểu kiểm tra thuần kiến thức như trước. Tuy nhiên bà Ánh Mai cũng thừa nhận: “Thật ra không dám thay đổi mạnh mẽ, mới là học kỳ 1 của lớp 10 thực hiện chương trình mới nên cứ “dò đường”, sao cho kiểm tra đánh giá chính xác khả năng của HS. Còn lại nghe ngóng định hướng sắp tới của kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH để bám sát hơn cách ra đề”.
Học sinh TP.HCM chuẩn bị vào giai đoạn kiểm tra cuối kỳ |
bích thanh |
Trước kỳ kiểm tra cuối kỳ theo chương trình mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT lưu ý, các trường thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá; Khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. “Dù đổi mới phương pháp, thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học thì các trường phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của HS”, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.
Bình luận (0)