Hội nghị lần thứ 3 này sẽ thảo luận, đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Cách đây hơn 3 năm, cũng tại Cần Thơ, hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.
|
Sau Hội nghị trên, ngày 17.11.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP. Nghị quyết đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Trong 3 năm qua, Nghị quyết 120 đang từng bước mang lại những kết quả khả quan cho ĐBSCL. Một trong những dấu ấn được ghi nhận là việc giảm diện tích canh tác lúa vụ 3 (vụ xuân hè, canh tác vào mùa hạn - PV); nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn được khuyến khích mang lại hiệu quả cao, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị một số ngành hàng nông sản ở ĐBSCL cũng đang dần cải thiện.
Tại Hội nghị sơ kết sáng 13.3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng và các cơ quan có liên quan xây dựng báo cáo chung sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Theo đó báo cáo cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết; nêu rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, sáng kiến để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết.
|
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung báo cáo rõ về công tác huy động nguồn lực (từ ngân sách và ngoài ngân sách) cho đầu tư phát triển ĐBSCL, tình hình xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch, cơ chế điều phối vùng... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo việc chuyển đổi sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư các dự án hạ tầng thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển... Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối vùng ĐBSCL với các trung tâm phát triển kinh tế. Bộ Xây dựng tập trung vào việc rà soát và thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, nông thôn, sắp xếp, bố trí lại dân cư, cung cấp nước sạch cho người dân.
Nghị quyết 120 và tầm nhìn đến năm 2100ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Mục tiêu đến năm 2050ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 80%, độ che phủ rừng đạt hơn 9% (so với 4,3% hiện nay). Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ĐBSCL được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị ĐBSCL hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi ĐBSCL được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra.
Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.
|
Bình luận (0)