3 trở ngại lớn nhất Tesla sẽ phải đối mặt ở Trung Quốc

28/10/2017 09:50 GMT+7

Tesla đang tiến gần đến việc sản xuất xe điện ở Trung Quốc, nhưng công ty Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với những rào cản đáng kể tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Theo The New York Times, công ty của tỉ phú Elon Musk đã đạt được thỏa thuận cho phép xây dựng nhà máy sản xuất ô tô trong khu thương mại tự do ở Thượng Hải và bán những chiếc xe điện này tại Đại lục. Song, con đường phía trước vẫn chưa hoàn toàn bằng phẳng đối với Tesla.
Dưới đây là một số rào cản mà Tesla sẽ gặp phải ở Trung Quốc, theo tổng hợp từ CNN.
Nghĩa vụ nặng nề
Nhà máy của Tesla là nhà máy sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên của hãng, hoạt động hoàn toàn tại Trung Quốc. Sự sắp xếp này sẽ giúp công ty xe điện Mỹ cắt giảm đáng kể chi phí lao động và sản xuất. Tuy nhiên, những chiếc xe điện được tạo ra tại khu thương mại tự do Thượng Hải vẫn sẽ không tránh khỏi mức thuế nhập khẩu 25%.
Các công ty ô tô nước ngoài thường né tránh những khoản phí tốn kém ở quốc gia châu Á bằng cách liên doanh với nhà sản xuất trong nước để sản xuất ô tô tại Trung Quốc. Nhưng cách làm này lại buộc họ phải chia sẻ lợi nhuận cũng như công nghệ với các đối tác Đại lục. Và đây là một viễn cảnh không mong muốn đối với một công ty vốn luôn đặt việc bảo vệ sáng kiến lên hàng đầu như Tesla.
“Elon Musk chắc chắn sẽ không muốn liên doanh vì nếu làm như vậy Trung Quốc sẽ nắm rõ tất cả bí mật của công ty. Tesla đã phải chờ đợi rất lâu mới được phép thiết lập việc sản xuất tại Trung Quốc”, Li Yanwei, nhà phân tích của Hiệp hội Các nhà bán lẻ ô tô Trung Quốc, nói.
Cạnh tranh khốc liệt
Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và nước này cũng đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để tăng doanh thu trong những năm tới. Đối với Tesla, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là nguồn thu nhập lớn nhất của công ty. Doanh số bán hàng của Tesla tại đây đã tăng gấp ba lần năm ngoái lên hơn 1 tỉ USD. Nhưng có một điều chắc chắn là các nhà sản xuất ô tô khác trên toàn cầu sẽ không muốn bỏ qua một thị trường khổng lồ như Trung Quốc. Chưa kể Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh và hỗ trợ công nghệ cho các nhà sản xuất nội địa.
Theo các nhà phân tích, đối thủ chính của Tesla có thể là BMW, Mercedes Benz, Volkswagen và Audi, những hãng đang chuẩn bị tung ra các dòng xe điện sang trọng tại Đại lục trong vài năm tới. Những nhà sản xuất ô tô này cũng đã hợp tác với các đối tác địa phương, vì vậy xe của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu.
Volvo, hãng xe Thụy Điển thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Zhejiang Geely Holding, mới đây đã công bố kế hoạch phát triển mẫu xe điện đầu tiên dưới thương hiệu độc lập Polestar, với hy vọng có thể cạnh tranh được với Tesla.
Chính sách thiếu công bằng
Việc đặt nhà máy tại Trung Quốc có thể giúp Tesla tránh phải chia sẻ bí mật công nghệ có giá trị, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể làm cho việc kinh doanh của công ty gặp khó khăn bằng cách đưa ra các chính sách mới có lợi cho nhà sản xuất trong nước.
“Ví dụ, quan chức Trung Quốc có thể yêu cầu Tesla dùng pin địa phương nhằm nâng cao vấn đề kiểm soát chất lượng, trong khi Tesla đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng nguồn cung cấp pin độc lập cho riêng mình. Tôi không nghĩ Tesla sẽ nhận được sự ưu đãi đặc biệt nào từ chính phủ, vì họ đã không hợp tác với các công ty của Trung Quốc”, KL Lo, một chuyên gia phân tích ô tô của Hồng Kông, cho hay.

tin liên quan

Tesla xây nhà máy mới tại Trung Quốc
Theo báo cáo từ The Wall Street Journal, Tesla đã đạt thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc để xây dựng một nhà máy sản xuất mới trong khu vực mậu dịch tự do tại thành phố Thượng Hải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.