3 'từ khóa' học được từ lời dạy của Bác Hồ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
28/08/2024 15:55 GMT+7

Tại buổi giao lưu tiếp lửa truyền thống với chủ đề 'Tuổi trẻ nhớ lời di chúc theo chân Bác', bạn trẻ đã chia sẻ những câu chuyện thú vị khi học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, trong đó có 3 từ khóa.

Sáng 28.8, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra Chương trình giao lưu tiếp lửa truyền thống với chủ đề "Tuổi trẻ nhớ lời di chúc theo chân Bác", do Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn phối hợp cùng Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn tổ chức.

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó bí thư Đảng ủy T.Ư Đoàn.

3 'từ khóa' học được từ lời dạy của Bác Hồ- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Lương (hàng đầu, bên phải) và các đại biểu tham gia chương trình

ẢNH: BẢO ANH

"Trách nhiệm giúp cho tôi không đam mê mù quáng"

Anh Đặng Cao Cường đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của T.Ư Đoàn, đã có những chia sẻ về chủ đề: "Tuổi trẻ góp sức xây dựng cơ quan, đơn vị, góp phần hiện thực hóa khát vọng 2045".

Anh Cường cho biết, anh là Trưởng ban Biên tập sách Comic, NXB Kim Đồng, từ việc thấm nhuần những lời của Bác trong Di chúc, anh đã luôn nêu cao việc sống, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác để có thể góp sức, xây dựng cơ quan đơn vị bằng tinh thần nhiệt huyết, đam mê và không ngại khó khăn thử thách, đúng với tinh thần của tuổi trẻ.

Anh Cường đưa ra 3 từ khóa gắn liền với chặng đường rèn luyện, phấn đấu của bản thân đó là: sáng tạo, đam mê và học hỏi.

3 'từ khóa' học được từ lời dạy của Bác Hồ- Ảnh 2.

Anh Đặng Cao Cường chia sẻ về rèn luyện, phấn đấu của bản thân

ẢNH: BẢO ANH

"Tôi nhận ra việc sáng tạo ra cái mới chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân không sợ sai, sợ vấp ngã. Đừng sợ sai, nhưng phải biết sửa chữa khi mắc lỗi, những lời dạy của Bác Hồ đã động viên tôi rất nhiều trong quá trình đề xuất những ý tưởng sáng tạo phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân", anh Cường chia sẻ.

Nói về niềm đam mê của mình, anh Cường cho biết: "Bác Hồ cũng đã từng căn dặn: mỗi người đều phải tự giác, tự chịu trách nhiệm trong công việc của mình. Nên với tôi, đam mê phải luôn đi đôi với trách nhiệm trong từng nhiệm vụ. Trách nhiệm giúp cho tôi không đam mê mù quáng, không đi sai đường".

Nhắc lại lời căn dặn của Bác về tinh thần học hỏi: "Học tập là việc phải tiếp tục suốt đời. Người làm cách mạng càng phải học, càng phải tiến bộ", anh Cường nhắn gửi các bạn trẻ: "Với cán bộ Đoàn và thanh niên, việc duy trì tinh thần học tập và cầu thị không chỉ giúp nâng cao năng lực cá nhân mà còn giúp chúng ta trở thành những thủ lĩnh tài ba, có khả năng thích ứng với những thay đổi và thách thức trong công việc và cuộc sống".

"Nếu không gương mẫu thì không thể truyền cảm hứng"

Chị Lê Thị Hồng Nhung, chuyên viên Ban Tổ chức T.Ư Đoàn, kể về những nỗ lực phấn đấu của mình khi được kết nạp Đảng năm 18 tuổi và khẳng định: "Trải qua 55 năm nhưng bản Di chúc của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam để lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam xung kích, tiên phong trong mọi hoạt động, không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả".

3 'từ khóa' học được từ lời dạy của Bác Hồ- Ảnh 3.

Chị Lê Thị Hồng Nhung kể về việc đã thực hiện theo Di chúc của Bác Hồ

ẢNH: BẢO ANH

Chị Nhung cũng chia sẻ luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã làm cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?". Chị lấy đó để tự soi và tự sửa mình, lấy đó là động lực để thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cho gia đình, xã hội và cho đất nước.

"Những thành tích mà mình đạt được hôm nay chỉ là hạt cát nhỏ giữa đại dương mênh mông, luôn trăn trở phải làm sao để "dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn" để trở thành lớp thanh niên vừa hồng, vừa chuyên như lời Bác đã căn dặn", chị Nhung trải lòng.

Là một giảng viên trẻ của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, chị Nguyễn Diệu Linh đã chia sẻ về giá trị lời dạy của Bác đối với việc đào tạo lực lượng trí thức trẻ, cán bộ Đoàn tương lai.

3 'từ khóa' học được từ lời dạy của Bác Hồ- Ảnh 4.

Chị Nguyễn Diệu Linh chia sẻ về giá trị lời dạy của Bác đối với việc đào tạo lực lượng trí thức trẻ

ẢNH: BẢO ANH

Trả lời câu hỏi về làm thế nào để thế hệ sinh viên gen Z, sống thời đại khoa học, công nghệ có cùng cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh của cha anh, chị Linh chia sẻ: "Thế hệ trẻ hôm nay năng động, nhạy bén với luồng thông tin, trong đó có nhiều thông tin trái chiều. Vì vậy, để giáo dục thế hệ trẻ học tập làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người cán bộ Đoàn, người làm giáo dục phải làm tốt công tác nêu gương. Nếu không gương mẫu thì không thể truyền cảm hứng để thanh niên nghe theo, tin theo".

Tại chương trình, PGS-TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên quyền Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã ôn lại hoàn cảnh ra đời, nội dung cốt lõi, giá trị và ý nghĩa của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Bác căn dặn: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên".

TS Nguyễn Quốc Bảo khẳng định: "Di chúc của Bác Hồ là di sản vô cùng quý báu của dân tộc là văn kiện lịch sử vô giá, lời dặn của Bác là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta hành động ra sao để xây dựng đất nước".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.