Chàng sinh viên Gen Z học tập phong cách Bác Hồ thông qua 7 nốt nhạc

25/05/2023 16:29 GMT+7

Sinh viên Nguyễn Bá Khải đã ghi nhớ, tu dưỡng, học tập, rèn luyện và làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua 7 nốt nhạc đô, rê, mi, fa, sol, la, si.

Trình bày tham luận tại diễn đàn "Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những giá trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trẻ giai đoạn hiện nay", do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối Các cơ quan T.Ư tổ chức nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ, nam sinh Nguyễn Bá Khải (đang học năm thứ 4 tại Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bản thân là một sinh viên thế hệ mới, là một bạn trẻ Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997 - 2000), anh thực hiện việc tu dưỡng, học tập, rèn luyện và làm theo lời Bác với cách của riêng mình, đó là thông qua âm nhạc.

Chàng sinh viên Gen Z học tập phong cách Bác Hồ thông qua 7 nốt nhạc - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn

ĐÌNH HUY

Sinh viên Khải đã hệ thống những bài học, ghi nhớ lời dạy của Bác thông qua 7 nốt nhạc: đô, rê, mi, fa, sol, la, si.

Với nốt "đô", có cách viết giống chữ "do" trong tiếng Anh, có nghĩa là làm, lao động. Chàng sinh viên năm 4 cho hay, bản thân luôn tự nhắc nhở mình phải cần cù, chịu khó trong học tập và lao động, tạo ra những giá trị tốt đẹp để cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nốt "rê", có cách viết giống từ "remember" có nghĩa là nhớ, nhớ về. Khải cho rằng, tấm lòng biết ơn, luôn nhớ về những vị tổ khai thiên lập quốc, những thế hệ anh hùng bất khuất kiên trung đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc của Tổ quốc cũng là một trong những tư tưởng đạo đức mà Bác Hồ luôn căn dặn.

"Học tập bài học về tấm lòng biết ơn của Bác, bản thân tôi luôn nhắc nhở chính mình một ngày không quên, một phút không thể không nhớ về công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, về nghĩa học trò tôn sư trọng đạo, về sự khắc ghi với công ơn của các vị anh hùng Tổ quốc", sinh viên Khải nói.

Nốt "mi", Khải ví giống với từ "mind" có nghĩa là tâm trí, lý trí, lẽ phải. Chàng sinh viên báo chí luôn tâm niệm làm bất cứ việc gì cũng phải bằng tất cả tâm trí, dồn hết tâm sức để thực hiện nhiệm vụ, phải có lý trí để giải quyết công việc một cách khách quan, công bằng, việc gì là lẽ phải thì mình làm, đúng thì mình làm, không làm việc không có lợi cho tập thể, cho quốc gia, dân tộc. Tinh thần ấy cũng được anh học tập từ tinh thần yêu nước, thương dân của Bác trong suốt hành trình Người tìm đường cứu nước.

Chàng sinh viên Gen Z học tập phong cách Bác Hồ thông qua 7 nốt nhạc - Ảnh 2.

Sinh viên Nguyễn Bá Khải

ĐÌNH HUY

Nói về nốt "fa", Khải nghĩ đến "family" có nghĩa là gia đình. "Chúng ta đều biết, Bác không lập gia đình, Bác coi nước Việt Nam là gia đình của mình, có lẽ bởi vậy tình cảm mà Bác dành cho tất cả đồng bào là tình cảm lớn lao nhất. Học tập Bác về cách quan tâm, chăm lo tới gia đình của mình, tôi luôn tâm niệm làm bất cứ việc gì tôi cũng nhắc nhở bản thân là không quên nhớ về và chăm sóc cho tổ ấm yêu thương của mình", Khải nhấn mạnh.

Về nốt "sol", có từ "solution" có nghĩa là giải pháp. Trong công việc và học tập, khi đứng trước một bài toán khó, Khải luôn cố gắng không chỉ nghĩ đơn độc một giải pháp, luôn cố gắng nghĩ càng nhiều hướng giải quyết càng tốt và chọn cho mình một giải pháp tốt nhất, có lợi nhất, hiệu quả nhất.

Nốt "la", Khải nghĩ đến từ "last" có nghĩa là cuối cùng, tới cùng, đến cùng. Khải tâm niệm, trong hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của mình, anh luôn cổ vũ, động viên bản thân phải có ý chí, quyết tâm thực hiện công việc tới cùng, hoàn thành đến cùng những mục tiêu đề ra, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn thử thách mới có thể thu được trái ngọt, quả thơm. Nhờ tinh thần ấy, năm 2022, Khải và các thành viên trong đội của mình đã xếp loại xuất sắc trong 90 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022 của Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Cuối cùng là nốt "si", có âm điệu, đồng âm với từ "see" có nghĩa là nhìn. Học lời Bác dạy, bản thân Khải sau khi hoàn thành bất cứ công việc nào, anh luôn dành thời gian để nhìn lại xem những công việc đã trải qua đã hoàn thành như thế nào, hiệu quả và hiệu suất công việc ra sao, chất lượng như thế nào?

"Tôi nhìn ra sau để có kinh nghiệm. Nhìn lên phía trước để thấy hy vọng. Nhìn xung quanh để xác định được thực tại. Và nhìn vào bên trong để tìm thấy chính mình", Khải kết lại bài tham luận của mình.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.