Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội (Ủy ban) chia sẻ với PV Thanh Niên sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Không chỉ gặp khó khăn về dịch bệnh
Nhìn lại 1 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông, theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội số 88, qua giám sát thực tế của Uỷ ban, bà có thể đưa ra những đánh giá ban đầu?
Trước khi nói về kết quả, tôi xin chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục khi phải thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020-2021: vừa tổ chức hoạt động dạy học trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid - 19 diễn biến vô cùng phức tạp vừa triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới đối với lớp 1.
|
Khó vì cách tiếp cận chương trình và SGK rất mới, chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS); chuyển từ 1 bộ sách dùng chung toàn quốc sang mỗi môn có thể có một số sách để lựa chọn. Cùng với đó là áp lực từ yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế, sáp nhập trường lớp, nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với đội ngũ giáo viên (GV); là thách thức từ yêu cầu triển khai tập huấn GV trực tuyến, dạy học trực tuyến để phòng chống Covid-19 trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị và phương tiện liên quan công nghệ thông tin… Tất cả đã tác động trực tiếp tới hoạt động giáo dục.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, những kết quả đã đạt trong thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới CT GDPT nói chung, chương trình lớp 1 nói riêng trong năm học vừa qua là rất đáng ghi nhận; chất lượng dạy học nhìn chung là tốt theo đánh giá của ngành, bao gồm cả đánh giá từ phía GV trực tiếp đứng lớp. Vì chưa từng có tiền lệ, nên tôi đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GD-ĐT, thể hiện qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khá đầy đủ, kịp thời; việc thẩm định và phê duyệt SGK được thực hiện dựa trên quy trình, tiêu chí rõ ràng, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình lớp 1 trong năm học qua cũng cho thấy một số tồn tại nhất định. Cách triển khai ít nhiều còn lúng túng; khâu cung ứng SGK chưa kịp thời, chất lượng một số đầu SGK chưa bảo đảm; công tác tập huấn GV và tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến bộc lộ nhiều hạn chế trong điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị và đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, cung ứng thiết bị dạy học nhiều nơi còn chậm về tiến độ và thiếu đồng bộ; nhất là địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Đây sẽ là những thách thức tiếp tục đặt ra cho những năm học tới, cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả.
Cần quan tâm nhiều hơn tới tính hiệu quả, thiết thực Đối với đầu tư cho giáo dục, tôi cho rằng cần quan tâm nhiều hơn tới tính hiệu quả, thiết thực. Vấn đề không chỉ là bố trí nguồn lực bao nhiêu, mà điều quan trọng là Chính phủ và các địa phương cần cho rà soát lại kết quả triển khai thực hiện các đề án, tổng hợp dữ liệu để phân tích một cách tổng thể, chi tiết thực trạng cơ sở vật chất trường lớp và tình hình đội ngũ nhà giáo hiện nay, nơi nào thừa, nơi nào thiếu; thừa thiếu bao nhiêu so với nhu cầu. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo nhu cầu, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo cho 5 năm tới, 10 năm tới phải gắn kết với quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp; tránh tình trạng giải quyết một cách cơ học, thiếu trường thì xây, thiếu GV thì tuyển, đến lúc điều chỉnh quy hoạch phát triển lại sáp nhập trường lớp, thanh lý hợp đồng GV, vừa lãng phí, vừa để lại hệ luỵ liên quan chính sách nhà giáo.
Tóm lại, cần có một giải pháp đồng bộ, có tính tổng thể, bền vững trong đầu tư thì mới thực hiện thành công CT và SGK mới.
|
Chất lượng, giá thành và chống lãng phí sách giáo khoa
Việc xã hội hoá biên soạn SGK, giao cho địa phương chọn một trong nhiều bộ SGK, lần đầu tiên được thực hiện, theo bà cần rút kinh nghiệm thế nào trong thời gian tới để vận hành việc có nhiều SGK đạt được mục tiêu cuối cùng là vì quyền lợi của HS?
Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, quy định có một số SGK cho mỗi môn học và việc trao thẩm quyền chọn SGK cho cơ sở giáo dục là những điểm mới trong Nghị quyết 88 của Quốc hội; thêm nữa là vấn đề thay đổi thẩm quyền chọn SGK từ cơ sở giáo dục sang UBND cấp tỉnh theo quy định của luật Giáo dục 2019. Đây thực sự là những thay đổi lớn từ cách tiếp cận đến bước triển khai thực hiện, nên việc có ý kiến băn khoăn về tính khả thi, thậm chí chưa thực sự yên tâm về chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK cũng như những điều chỉnh trong quy định thẩm quyền lựa chọn SGK là điều khó tránh. Đáng mừng là kết quả đạt được trong năm học qua đã khẳng định thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK.
|
Tuy nhiên, câu chuyện về SGK theo CT GDPT mới vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, cần được ngành giáo dục quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Thứ nhất là vấn đề chất lượng SGK, làm sao để bảo đảm tính chuẩn mực; điều này phụ thuộc vào sự đầu tư nghiêm túc của các nhà xuất bản và sự công tâm, khách quan, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.
Thứ hai là vấn đề giá SGK, cần có những chính sách tài chính để vừa khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn SGK, vừa giảm giá thành một cách hợp lý để bảo đảm bảo quyền lợi cho người học. Trước mắt, cần rà soát, giảm bớt chi phí in ấn, đồng thời tăng cường công nghệ thông tin để cắt giảm các khâu trung gian trong quản lý, vận chuyển, phát hành SGK; minh bạch quy trình chọn sách; tách bạch giữa SGK với các loại sách tham khảo để người học có sự lựa chọn thích hợp.
Thứ ba là vấn đề chống lãng phí trong sử dụng SGK, mà cụ thể là cần bảo đảm SGK được sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Muốn vậy, cần có sự ổn định trong nội dung SGK và trong việc lựa chọn SGK ở từng địa phương, từng cơ sở giáo dục để có thể sử dụng SGK nhiều lần…
Bình luận (0)