30 ngày trong bệnh viện dã chiến: Ai cũng sợ dịch, thì ai đi chống dịch?

Như Lịch
Như Lịch
15/09/2021 00:00 GMT+7

Đó là quan niệm của nữ sinh viên 19 tuổi Bùi Thị Đan Thùy. Gần 2 tháng nay, Thùy là tình nguyện viên đội cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Thùy cho hay từ mấy tháng trước, cô đã muốn tình nguyện đi chống dịch Covid-19 nhưng chưa tìm được chỗ. Lần này, thấy chùa Giác Ngộ kêu gọi, Thùy đăng ký đi ngay. “Em vào bệnh viện (BV) dã chiến có sợ không?”, tôi hỏi. Thùy đáp ngay: “Sợ chứ cô! Sợ chết chứ”. “Sợ chết sao vẫn đi?”, “Em từ tỉnh Lâm Đồng xuống thành phố này học. Mình giúp được gì cho Sài Gòn thì làm thôi ạ”.

Mẹ không cho, con cũng đi !

Khi đăng ký, điều Thùy băn khoăn là không biết xin gia đình ra sao, có cho đi hay không. Thùy gọi điện về quê xin mẹ đủ kiểu nhưng mẹ không đồng ý, bảo: “Đi làm gì, lo mà học”. Trừ người anh ruột ủng hộ, còn lại họ hàng cũng cản: “Ở yên trong nhà, đừng đi đâu hết”. Cô con út này năn nỉ hoài không được, đâm bướng bỉnh: “Con đi đấy, mẹ không cho con cũng đi!”.
Bên cạnh đó, Thùy còn gửi đường link đăng ký cho mấy người bạn của mình còn kẹt lại ở TP.HCM do dịch, để cùng tham gia. Cũng như mẹ Thùy, gia đình các bạn này cũng không muốn cho con mình đi làm tình nguyện ở những BV tuyến đầu. Thùy nhắn tin cho các bạn: “Ai cũng sợ dịch, thì ai đi chống dịch bây giờ?”. Nghe câu đó, những người mẹ thay đổi suy nghĩ, cho con lên đường.
Trong đó, người bạn thân cùng quê mà Thùy rủ rê được là Nguyễn Thị Nguyệt, 19 tuổi, cũng đang làm tình nguyện chung với Thùy tại BV dã chiến số 12. Một người bạn nữa là Trần Ngọc Bích Phương, học chung cao đẳng với Thùy tại Trường Arena Multimedia (TP.HCM) thì hỗ trợ ở Trung tâm hồi sức Covid-19.
Theo kế hoạch, từ 22.7 - 22.9, Thùy và một số bạn trẻ thuộc lực lượng tình nguyện các tôn giáo TP.HCM tham gia phòng chống dịch Covid-19 (do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phát động) phục vụ tại BV dã chiến số 12. Sau thời gian này, Thùy định xin nhà trường gia hạn bảo lưu kết quả để tiếp tục ở lại chăm sóc bệnh nhân.
Đề cập nguy cơ bị lây nhiễm, Thùy bày tỏ: “Nếu xảy ra chuyện gì, em chỉ lo cho gia đình thôi. Chứ đã bước vô đây là tụi em mang tâm thế không biết có bình an trở về hay không”.
Với nguyện vọng chăm sóc bệnh nhân, Thùy xin vào đội cấp cứu. Thùy giải thích: “Em không thể ngồi làm công việc hành chính mấy tháng trời, toàn những số, những chữ, đau đầu lắm. Thà cho em chạy cái này cái kia, bác sĩ, điều dưỡng hay bệnh nhân sai em làm cái này cái kia, em thích hơn. Với lại, em tin vào sức khỏe của mình nên quyết tâm chọn đi bên cấp cứu”.

Tình nguyện viên Bùi Thị Đan Thùy đẩy xe lăn, cùng đưa bệnh nhân nặng đi vệ sinh

Từ lần đầu nín thở gặp F0…

Còn nhớ, vài ngày sau khi BV dã chiến số 12 đi vào hoạt động, các nhóm tình nguyện viên chúng tôi nhận lệnh chuyển phòng từ lầu 4 xuống lầu 2 khu D, để BV tiếp tục đón lượng bệnh nhân mới. Lúc đó, tôi được bố trí ở phòng 2.03, chung với cô sinh viên Bùi Thị Đan Thùy. Phòng chúng tôi có tầm nhìn đẹp với bầu trời thoáng đãng, cỏ cây xanh tốt, sáng sớm chim ríu ran chuyền cành và tiếng chim cu gáy bình yên. Chỉ đáng ngại, dưới đường là hai thùng xe to tập kết rác thải của bệnh nhân.
Chúng tôi trò chuyện một lúc, Thùy thắc mắc: “Ơ, cô ở đội hậu cần, sao người ta lại xếp cô vô phòng này toàn là F1 không vậy? Cô có con nhỏ, cẩn thận kẻo bị lây nhiễm đấy ạ”.
Mấy hôm sau, tôi xin làm ở đội vệ sinh và gặp Thùy dưới phòng cấp cứu tầng trệt. Tôi nhớ lời Thùy kể: “Ngày đầu làm ở phòng cấp cứu, em chưa bao giờ căng thẳng như vậy. Gặp F0 là em nín thở luôn, hơi ớn”. Vậy mà bấy giờ, tôi chứng kiến Thùy nhẹ nhàng đỡ bệnh nhân ngồi vào xe lăn, sửa lại ngay ngắn cổ áo bệnh nhân và cúi xuống kéo dép dưới giường cho họ...

Tâm sự từ bên trong nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Nữ phật tử này đẩy xe lăn, trong khi tu sĩ Công giáo là Nguyễn Ngọc Hoàng (37 tuổi) đẩy bình ô xy cùng đưa bệnh nhân ra nhà vệ sinh. Rồi Thùy chạy đi kiếm giấy cho bệnh nhân lau, còn thầy Hoàng đi kiếm nước dội cầu vì hôm đó bị cúp nước. Bệnh nhân sau khi được giải tỏa, nói: “Cảm ơn hai bác sĩ!”. Tôi thoáng thấy Thùy hơi ngượng nghịu. Sau này về phòng, Thùy tủm tỉm: “Nghe bệnh nhân kêu mình là bác sĩ, em vừa thấy mắc cỡ vừa thấy vui. Mặc đồ bảo hộ, đâu biết ai là ai”.
Tôi thắc mắc: “Không có chuyên môn y tế, làm ở đội cấp cứu có áp lực không?”. Cô gái hồn nhiên: “Mình không biết thì hỏi thôi ạ”. Theo Thùy, từ không biết gì, nay Thùy đã biết về điện tâm đồ để theo dõi nhịp tim, xem các chỉ số trên màn hình, kẹp tay đo nồng độ ô xy bão hòa trong máu (SpO2), đẩy xe đưa bệnh nhân đi vệ sinh. Có hôm Thùy đỡ 5 người đi vệ sinh, trong đó có một người đi hai lần. Thùy thật thà: “Gặp những người to béo, em phải ráng hết sức mới đẩy nổi”.
Hôm đầu tiên xuống làm ở phòng cấp cứu, Thùy cho hay rất căng thẳng khi thấy cảnh tiêm chích, điện thoại réo liên tục, các y bác sĩ tất tả lo cho bệnh nhân... Mặt khác, đồ bảo hộ cũng khiến Thùy có trải nghiệm nhớ đời: “Nóng không tả được bằng lời. Chưa bao giờ em có cảm giác nóng như thế và căng thẳng đến vậy”.
Có những ca trực phải mặc đồ bảo hộ suốt 4 - 6 tiếng, nhiều lúc Thùy muốn xỉu. Thùy bộc bạch: “Mùa này trực chiều trực tối còn đỡ, chứ trực từ sáng đến trưa là dễ ngất vì quá nóng”.
Cũng như nhiều tình nguyện viên và nhân viên y tế, Bùi Thị Đan Thùy thấy xót khi bệnh nhân trở nặng, không tự lo liệu được bản thân. Những lúc đó, Thùy tự nhủ mình càng phải chăm sóc bệnh nhân như người nhà của họ. (còn tiếp)

Covid-19 sáng 15.9: Cả nước 635.055 ca nhiễm, 398.461 ca khỏi | Thông tin mới về NanoCovax

Thương bác sĩ !

Một điều dưỡng bị kiệt sức trong ca trực

Sinh viên Bùi Thị Đan Thùy nhận xét: “Y bác sĩ ai cũng nhiệt huyết, dễ thương. Các anh chị ấy sợ em xỉu, chưa hết giờ làm mà cứ giục em về trước”. Thùy kể có hôm mặc đồ bảo hộ nhiều giờ đã kiệt sức, Thùy thấy bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung, đội trưởng đội cấp cứu, kéo chiếc giường bố ra giữa phòng. Thùy bất ngờ khi bác sĩ Dung lên tiếng: “Em cứ nằm nghỉ nhé”.
Thùy chia sẻ: “Hồi ở nhà, ngày nào em cũng đọc báo, thấy các ca bệnh tăng, rồi áp lực về y tế, các bác sĩ xỉu lên xỉu xuống vì mệt quá. Những lúc đó, em thấy thương bác sĩ, đau đầu không ngủ được luôn á. Vô đây em còn thấy kinh khủng hơn trên báo nữa. Tội bác sĩ, tội bệnh nhân, tội BV đang thiếu người”.
Cô gái này kể tiếp: “Hôm trước em làm chung ca với một anh tên Sơn. Anh Sơn mặc đồ bảo hộ đổ mồ hôi nhìn xót lắm, co tay lại là mồ hôi chảy như nước. Đồ bảo hộ nóng kinh khủng, hôm nào em mặc là ướt hết luôn, như kiểu đi tắm mưa về vậy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.