Virgin (BVI) là quần đảo chỉ rộng 153 km2 nằm ở vùng biển Caribe, có GDP chỉ hơn 1 tỉ USD, dân số 28.000 người nhưng vốn đầu tư đổ vào VN lên tới gần 20 tỉ USD, với gần 700 dự án. Còn quần đảo Cayman “tròm trèm” 264 km2, dân số 57.000 người lại đầu tư vào VN tới 6,3 tỉ USD.
|
|
Vì sao các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia lại chọn BVI hoặc Cayman để làm nơi thành lập công ty, sau đó lấy danh nghĩa này để tiến hành đầu tư vào VN? Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên nhân chủ yếu vì BVI hay Cayman không đánh thuế, trong khi ở VN là 20% thuế thu nhập DN. “Kiểu lách thuế phổ biến nhất là các công ty này tìm cách giảm lợi nhuận ở VN bằng cách nâng giá hàng hóa để khai báo không có lãi và lách thuế”, ông Doanh phát biểu.
Lách thuế
Theo ông Châu Huy Quang - luật sư điều hành Hãng luật R&T LCT, các DN nước ngoài thường thành lập pháp nhân mới kiểu “công ty trên kệ” (shelf company) tại BVI, Cayman rồi dùng pháp nhân này để đầu tư vào VN.
Ngoài nguyên nhân về tài chính như chi phí thành lập hay mua lại một công ty BVI rất thấp, hưởng các ưu đãi về thuế suất bằng 0… còn có việc thông tin nhà đầu tư được bảo mật rất cao. BVI, Cayman có nhiều quy định linh hoạt, đơn giản cho DN như khi thành lập không cần buộc phải có hoạt động, nộp báo cáo hoạt động, không yêu cầu có hiện diện nhân sự (HĐQT chỉ cần đăng ký 1 tên), quy mô vốn không cần… Vì tính bảo mật cao và dễ bị “lạm dụng” nên mô hình công ty BVI là lý tưởng nhất cho hoạt động hợp thức hóa, che giấu tài sản và rửa tiền.
Các công ty xuất hiện trong hồ sơ Panama được thành lập phần lớn ở thiên đường thuế BVI, theo sau là Panama, Bahamas, Seychelles, Samoa…
|
Tại VN, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đến từ các “thiên đường thuế” này. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, cho đến nay, các nhà đầu tư đến từ BVI đã đăng ký 644 dự án đầu tư trong cả nước với tổng vốn khổng lồ 19,7 tỉ USD; quần đảo Cayman đầu tư vào VN hơn 6,3 tỉ USD, Bermuda khoảng 232 triệu USD, Bahamas 108 triệu USD, Panama 51 triệu USD…
|
|
Lý giải về việc tại sao các tổ chức, cá nhân lại mở công ty con ở các thiên đường thuế, luật sư Nguyễn Duy Hùng - Đoàn luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty IPIC Group, cho rằng các công ty tận dụng được những “kẽ hở” để đóng thuế ở mức thấp nhất; lợi dụng sự chênh lệch về ưu đãi thuế giữa các quốc gia để cân nhắc đầu tư, chuyển lợi nhuận.
Có nhiều cách lách thuế, trốn thuế nhưng cách kinh điển nhất là lợi dụng chênh lệch về thuế suất giữa 2 quốc gia, khai tăng giá trị hàng hóa đầu vào để giảm doanh thu, từ đó giảm thuế phải nộp.
Ví dụ: lập công ty sản xuất tại VN, công ty đó sản xuất một sản phẩm là 100 đồng và cần nguyên liệu là 40 đồng thì thuế phải nộp là (100 - 40) x 20% = 12 đồng. Để giảm số thuế phải nộp, họ phải dùng một trung gian, như mở công ty con tại Panama để mua nguyên liệu đầu vào 40 đồng rồi nâng giá lên và bán cho công ty VN, giả dụ 90 đồng. Như vậy số thuế mà công ty VN phải nộp là (100 - 90) x 20% = 2 đồng. VN chỉ thu 2 đồng trong khi đó lãi của công ty Panama là 90 - 40 = 50 đồng. Vì thuế ở Panama gần như bằng 0 nên số lãi 50 đồng này sẽ được báo về công ty mẹ tại VN.
Ông Hùng cho rằng: “Tài liệu Panama là nguồn chứng cứ quan trọng, là điều kiện cần để các quốc gia có liên quan bắt tay vào việc điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm nếu có. Thế nhưng phải hết sức tỉnh táo, thận trọng trong vấn đề xử lý hồ sơ Panama, tránh làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp ghi nhận; đồng thời thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin và thận trọng trong vấn đề xử lý thông tin”.
Về việc có quá nhiều DN đến từ các “thiên đường thuế” hoạt động ở VN, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng có một số tác động tiêu cực lên nền kinh tế VN là thất thu thuế nếu bị các DN lách để chuyển giá. “Về nguyên tắc, một khi có nhiều nhà đầu tư đến từ những thiên đường thuế, kinh tế VN sẽ chịu nhiều rủi ro hơn”, TS Phong nhấn mạnh.
|
|
Hàng tỉ USD chảy đi đâu?
Theo các chuyên gia, việc chủ yếu dùng tiền mặt như VN thì khả năng có dòng tiền chạy ra nước ngoài lách thuế, hay gửi ở các “thiên đường thuế” là rất lớn. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối quý 4/2015 cho thấy cán cân vãng lai thặng dư khoảng 1 tỉ USD, cán cân tài chính dương hơn 1,2 tỉ USD. Cân đối hai tài khoản này cán cân thanh toán lẽ ra sẽ thặng dư hơn 2,26 tỉ USD. Nhưng thực tế, cán cân tổng thể đến hết quý 4/2015 lại bị âm hơn 2,65 tỉ USD. Nguyên nhân, trong đó có một khoản mục “lỗi và sai sót” bị âm hơn 4,9 tỉ USD. Có thời điểm khoản mục này tăng vọt đến chóng mặt, như năm 2009 “lỗi và sai sót” âm 12,8 tỉ USD, khiến cán cân tổng thể âm 8,4 tỉ USD.
TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết “lỗi và sai sót” có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Nó là khoản ngoại tệ đi vào hoặc chảy ra ngoài lãnh thổ VN mà cơ quan quản lý nhìn thấy trên bảng cân đối nhưng lại không thể xác định đó là các giao dịch gì và nguồn tiền đó đang ở đâu. Đơn cử là nhập siêu cao hơn nhiều so với con số chính thức hoặc nhà xuất khẩu không chuyển tiền bán hàng về nước, hoặc các khoản ngoại tệ chạy qua đường tiểu ngạch thông qua giao dịch thương mại giữa hai quốc gia. “Nhưng đó cũng có thể là các giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài mà chúng ta chưa thể kiểm soát được hết”, ông Ngoạn đặt vấn đề.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, đánh giá nếu sai số không đáng kể thì không có gì đáng ngại, bởi có thể do quá trình ghi nhận chưa chính xác hoặc cách thống kê theo các tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, sai số lên tới hàng tỉ USD thì “nó không đơn thuần chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật”. Trước lo ngại về việc có một dòng ngoại tệ không nhỏ đã chảy ra nước ngoài thông qua các giao dịch ngầm liên quan đến nghi án né, trốn thuế trong vụ hồ sơ Panama, ông Kiêm thận trọng cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa thể xác định được các cá nhân, tổ chức tại VN có thực hiện giao dịch chuyển ngoại tệ phi pháp. Nhưng, đó là một vấn đề mà cơ quan quản lý phải chú ý đến trong quá trình điều tra. Bởi đối với các giao dịch chuyển vốn lòng vòng thông qua các công ty con, công ty liên kết thường rất khó kiểm soát. Đặc biệt với cơ chế luật pháp còn chưa được chặt chẽ và phương tiện, hệ thống giám sát còn lạc hậu như ở VN.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực đánh giá những khoản mục sai sót lên tới hàng tỉ USD theo ông có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do buôn lậu nên không thể thống kê được; thứ hai do chênh lệch tỷ giá, tức khi mua bán, ký kết hợp đồng ở một thời điểm giá 10 đồng nhưng đến khi thực hiện giao dịch tỷ giá biến động tăng lên 11 đồng; thứ ba, đó là các khoản giao dịch không qua con đường chính thống. “Chúng ta không thể quy chụp rằng ai đó chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài hay không, nhưng đó là một vấn đề rất đáng quan ngại”, TS Lực đặt vấn đề.
Mossack Fonseca kiện về Hồ sơ Panama
Ngày 11.5, AFP dẫn lời đại diện Hãng luật Mossack Fonseca cho biết đang nộp hồ sơ kiện Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) về động thái công bố Hồ sơ Panama.
Trước đó, Mossack Fonseca nhiều lần đòi ICIJ không công khai thông tin và giao nộp toàn bộ dữ liệu có được nhưng tổ chức này vẫn quyết định tung toàn bộ nội dung hồ sơ Panama lên mạng. “ICIJ đã buộc chúng tôi phải có hành động pháp lý quyết liệt để tự vệ. Đây là hành vi phạm tội và cần phải được xử lý bởi những cơ quan có thẩm quyền”, đại diện hãng luật tuyên bố nhưng không nói rõ chi tiết về vụ kiện.
Trọng Kha
|
Bình luận (0)