33% lao động sống kham khổ, tằn tiện

24/05/2017 08:23 GMT+7

Đây là kết quả khảo sát được Viện Công nhân và công đoàn thông tin tại hội thảo Điều kiện lao động, thời giờ làm việc và năng suất lao động do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức ngày 23.5.

Theo TS Vũ Minh Tiến, Phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, khảo sát về tiền lương - thời giờ làm việc - điều kiện an toàn vệ sinh LĐ trong các doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 3.2017 tại 14 tỉnh, thành phố và 3 ngành với sự tham gia của 2.550 LĐ, kết quả cho thấy: có gần 33% LĐ được khảo sát cho rằng thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ. 12% trong số này cho biết, thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm, chỉ 16% là thu nhập có dư (chủ yếu là công nhân mỏ, khai khoáng), sau 5 - 7 năm làm việc họ có thể tiết kiệm tiền để mua được một căn nhà ở quê.
Mặc dù có tới 48,9% LĐ trả lời không muốn làm thêm giờ, nhưng vì thu nhập thấp, nhiều LĐ buộc phải tăng ca, làm thêm giờ. Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, người LĐ không mong muốn đánh đổi sức khỏe và sự an toàn để có một công việc, không mong muốn làm thêm giờ liên tục và kéo dài để tăng thu nhập. PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Ngà (Hội Y học LĐ VN) khuyến cáo: “Điều kiện LĐ xấu, làm thêm giờ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, tăng nguy cơ mất an toàn dẫn đến tai nạn và suy giảm sức khỏe thể chất và tâm thần người LĐ… Vì vậy, nếu có tăng giờ làm thêm chỉ nên tăng 2 giờ/ngày”.
Dự thảo luật LĐ sửa đổi đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến phương án tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm thay cho quy định hiện hành thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Ông Chính cho biết, trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn phù hợp với sức khỏe của người LĐ, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN sẽ tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo bộ luật LĐ sửa đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.