TỪ NHỮNG CHUYỆN... NAN GIẢI
"Nhà báo ơi, tôi bị hãm hại", đó là câu ta thán của một nữ bạn đọc ngoài 50 tuổi mỗi lần đến tòa soạn. Bà quê ở Long An, lâu lâu chúng tôi lại thấy bà xuất hiện ở phòng tiếp bạn đọc. Vẫn câu than vãn đó, vẫn câu chuyện cũ là bà bị người ta hãm hại, nhưng khi hỏi ai hãm hại, vào thời điểm nào thì bà quẩn quanh: "Hồi tôi còn con gái, khi ở nhà một mình thì ông hàng xóm giở tôn, chui vô phòng rồi hãm hại tôi, nhà báo phải đòi lại công bằng cho tôi". Kể xong, chúng tôi đề nghị bà làm đơn, trình bày chi tiết, nêu rõ họ tên ông… hàng xóm, để chúng tôi căn cứ vào đó thẩm tra, xác minh viết bài đăng báo hoặc chuyển đơn đến cơ quan điều tra thì bà ậm ừ, kêu về sẽ viết; rồi chẳng thấy đơn từ đâu, nhưng lâu lâu lại ghé đến tòa soạn, để… nói lại câu chuyện cũ!
Một nữ bạn đọc khác với câu chuyện không kém đặc biệt, bà đến và nói rằng "để tặng cho báo 1 căn nhà". Theo bà, căn nhà nằm ở mặt tiền đường lớn, thuộc một quận trung tâm ở TP.HCM, để báo làm từ thiện, nhưng với điều kiện là báo phải đòi lại nhà cho bà, vì nhà đó đang bị người ta chiếm mất rồi. Mỗi lần đến là bà vừa khóc vừa kể về nỗi đau mất nhà, nhưng khi phóng viên hỏi chi tiết thì bà lại lúc nhớ lúc quên, kể các câu chuyện không ăn nhập vào đâu.
Với ông H., một bạn đọc cũng ở TP.HCM, lại càng đặc biệt. Cứ vài tuần ông lại đến tòa soạn, mỗi lần đến là 1 lá đơn tố cáo, ông tố hết cơ quan này đến cơ quan khác. Lý do, ông có đến các cơ quan ấy, yêu cầu giải quyết sự việc nhưng không được giải quyết nên ông tố cáo. Trong khi đó, cũng căn cứ theo đơn của ông, Báo Thanh Niên đã chuyển đơn đến các cơ quan chức năng và nhận được văn bản trả lời sự việc của ông không có cơ sở để thụ lý đơn. Sau khi đến quá nhiều lần, chúng tôi không nhận đơn ông nữa thì ông chuyển sang đến để… xin báo. Và vài tuần ông lại đến, hễ gặp nữ phóng viên tiếp bạn đọc thì ông tự nhiên vào phòng, lấy báo rồi đi về, còn nếu thấy nam phóng viên tiếp bạn đọc thì ông lặng lẽ… quay lưng.
Còn nhớ, một buổi chiều giữa tháng 3.2024, chúng tôi tiếp một cụ ông ngụ TP.HCM. Cụ cho biết đến Báo Thanh Niên để trao đổi về một số vấn đề liên quan người bệnh nghèo. Hỏi họ tên, cụ chỉ nói là người thường xuyên đọc Báo Thanh Niên, muốn trao đổi chuyện khoa học. Nói vậy thôi, chứ khó khăn lắm chúng tôi mới nắm được ý của cụ. Bởi cụ nghe không rõ, tai phải đeo máy trợ thính nhưng tiếng được tiếng mất. Qua câu chuyện mới biết cụ bỏ công tìm hiểu và sưu tầm các thông tin về cây dừa, đặc biệt là phần lợi ích chữa bệnh của loại cây này mà như lời cụ thì nó được liệt vào hàng "thần dược". Việc sưu tầm đã khá lâu, được cụ thể hiện bằng một cuốn tài liệu photocopy đóng thành tập mỏng, gồm nhiều bài viết, ý kiến của nhiều người từ bác sĩ đến các bệnh nhân ở khắp các quốc gia. Cụ đặt tên cho cuốn tài liệu này là "Tin vui cho người bệnh nghèo". Cụ có nguyện vọng nhờ Báo Thanh Niên chuyển cuốn tài liệu đến một nhà khoa học ở nước ngoài (vì cụ không biết địa chỉ), nhằm thông tin rộng rãi đến các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo trên khắp thế giới, để giảm bớt chi phí điều trị trong điều kiện nghèo khó. Dù biết việc chuyển gửi tài liệu là không thực hiện được, nhưng cụ vẫn vui vẻ. Trước khi ra về, cụ gửi lời động viên Báo Thanh Niên và khuyên nên dùng dừa và các sản phẩm hữu ích của nó để có sức khỏe làm báo, phục vụ bạn đọc.
ĐẾN TẤM LÒNG VỚI NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Lại nhớ vào cuối tháng 5.2024, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Xin cứu giúp cô học trò cha mất, mẹ bỏ đi và không nhà cửa, nói về hoàn cảnh khó khăn của em Hồ Huỳnh Nhi ở TT.Cần Thạnh, H.Cần Giờ, TP.HCM, cần được chia sẻ để tiếp tục học hành, có một bạn đọc từ Tiền Giang ghé đến tòa soạn rất sớm. Anh đề nghị không nêu danh tính và cho biết mình chạy xe chở hàng, thu nhập đủ sống, nhưng rất xúc động khi đọc bài viết về Hồ Huỳnh Nhi. Rồi anh nhờ Báo Thanh Niên chuyển đến giúp Nhi một ít tiền cùng lời động viên em tiếp tục vượt khó học tập. Nán lại đôi phút, anh tâm sự là đọc Báo Thanh Niên nhiều năm rồi, mấy lần định đến tòa soạn một lần cho biết nhưng chưa có dịp, nay xúc động với hoàn cảnh em Nhi nên sắp xếp công việc đến trao gửi tình cảm của mình, một công đôi chuyện.
Tiếp bạn đọc, chúng tôi còn có nhiều niềm vui khi một vụ việc nào đó được Báo Thanh Niên phản ánh hoặc giải quyết kết thúc có hậu. Đơn cử, một hôm phóng viên nhận được lời cảm ơn chân tình bằng tin nhắn của bạn đọc. Lần giở nhật ký sổ trực, mới biết đó là trường hợp của bạn đọc ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Trước đó ông đã đến tòa soạn với một xấp hồ sơ dày, nội dung đề cập việc ông mua đất nhưng bị "lật kèo", dù bên bán đã ký nhận tiền cọc. Sự việc đã đưa ra tòa án cấp sơ thẩm, nhưng giải quyết không thấu tình đạt lý, nên ông nhờ báo can thiệp để tìm lại công bằng cho mình. Bên cạnh đó, trên trang bạn đọc Báo Thanh Niên vào thứ sáu hằng tuần luôn xuất hiện chuyên mục Trả lời bạn đọc, đăng tải tên các cơ quan, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xem xét, trả lời bằng văn bản đơn thư của bạn đọc do Báo Thanh Niên chuyển đến. Chưa nói kết quả về các vụ việc, nhưng với chúng tôi, việc phản hồi từ các cơ quan, đơn vị là niềm vui, là chỉ dấu tích cực khi các vấn đề của bạn đọc được tôn trọng, thực hiện theo đúng pháp luật về giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Và cũng chính những điều ấy cùng với niềm tin từ quý bạn đọc đã thúc giục chúng tôi luôn làm tốt trọng trách của mình, dù biết rằng nghề "làm dâu trăm họ" này khó làm vẹn tròn tất cả.
Trong năm 2024, Ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên tiếp nhận 699 hồ sơ, đơn thư khiếu nại. Trong đó, phần lớn là các hồ sơ tranh chấp đất đai, hồ sơ khiếu nại về chuyện mua đất hay mua nhà mà chủ đầu tư bàn giao trễ hạn... Đặc biệt, những hồ sơ tố cáo về tình trạng lừa đảo mua bán hàng qua mạng, lừa đảo về việc vay vốn tín dụng ngày càng nhiều.
Với một số hồ sơ gửi đến tòa soạn không đúng quy định, báo đành phải lưu không xử lý được, vì không có chữ ký, không ghi thời gian đơn gửi hoặc gửi đến Báo Thanh Niên mà lại đề kính gửi báo khác...; một số khác lại dùng bản đơn photocopy hoặc không trình bày rõ nội dung vụ việc. Số hồ sơ này phần lớn gửi qua đường bưu điện. Vì vậy, Báo Thanh Niên xin lưu ý bạn đọc khắc phục các lỗi kể trên để sang năm 2025, tòa soạn có cơ sở giải quyết, xử lý vụ việc của bạn đọc theo đúng chức năng của mình.
Qua bưu điện hoặc tại tòa soạn, không ít lần chúng tôi tiếp nhận hồ sơ các trường hợp cầu cứu do rơi vào túng bấn, thậm chí tuyệt vọng. Như trường hợp em Nguyễn Thị Quỳnh Như, sinh năm 2002, ngụ tại P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, Bình Dương, bị bệnh nặng trải qua quá trình điều trị dài ngày với nhiều cuộc phẫu thuật tại các bệnh viện ở TP.HCM, và may mắn hồi phục. Nhưng gia đình em lại lâm cảnh nợ nần, túng bấn. Ông Nguyễn Văn Triệu, cha Quỳnh Như, đã trực tiếp đến Báo Thanh Niên cầu cứu. Tháng 11.2024, phóng viên đã tìm hiểu và viết bài về em, đến nay bạn đọc giúp đỡ hơn 90 triệu đồng, giúp em và gia đình có kinh phí chăm lo bệnh tật. Điều trân quý là dù chọn cách này hay cách khác (chuyển khoản hoặc gửi tiền mặt ủng hộ trực tiếp) để giúp đỡ những người khốn khó trên chuyên mục Lá lành đùm lá rách, bạn đọc luôn đặt niềm tin vào Thanh Niên, luôn dành tấm lòng yêu thương người cùng khổ gặp hoạn nạn, đau thương.
Bình luận (0)