Đạt chuẩn để san lấp vẫn ế
Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải vừa gặp gỡ 31 doanh nghiệp tiêu thụ tro xỉ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ cho 3 nhà máy: Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng tại Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh).
Hiện tại, bên cạnh lượng tro xỉ phát thải hằng ngày khoảng 2.000 - 5.000 tấn (tùy theo huy động công suất các tổ máy) thì các nhà máy còn có bãi xỉ chứa khoảng 3,8 triệu tấn tro xỉ cần phải tiêu thụ.
Ông Ngô Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (đơn vị được EVNGENCO1 giao quản lý vận hành 3 nhà máy: Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng) cho biết: "Tro xỉ của các nhà máy thuộc công ty hàng năm đều được Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy dùng cho san lấp và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy định hiện hành".
3,8 triệu tấn tro xỉ có thể thay cát san lấp đang gặp khó về đầu ra
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo việc xử lý, sử dụng tro, xỉ. Cụ thể, như Quyết định 452/2017/QĐ-CP phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, là nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Tuy nhiên, nếu như năm 2022 - 2023, tro xỉ của các nhà máy thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tiêu thụ đạt khoảng 90 - 95% thì 4 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 80%. Trong đó, hầu hết tro xỉ tiêu thụ qua đường silo bơm cho xe bồn, sà lan để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, bê tông. Đó cũng là lý do khi thị trường xây dựng trầm lắng, tiêu thụ xi măng, bê tông giảm cũng khiến tiêu thụ tro xỉ trì trệ theo. Đặc biệt, việc tiêu thụ 3,8 triệu tấn tro xỉ chứa ngoài bãi xỉ lại càng khó khi chỉ có thể dùng cho san lấp, làm gạch không nung, dù được lấy mẫu, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy dùng cho san lấp hằng năm.
Vướng mắc chi phí, môi trường
Trước đó, cuối năm 2021, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải từng đấu giá thành công 1 triệu tấn tro xỉ làm vật liệu san lấp với giá trị hơn 17 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp trúng đấu giá chỉ tiêu thụ được khoảng 20.000 tấn, san lấp cho một dự án trường lái xe trên địa bàn. Khó khăn lớn nhất doanh nghiệp này gặp phải là các chủ đầu tư dự án có nhu cầu san lấp chưa mặn mà với tro xỉ, không đưa tro xỉ vào hồ sơ thiết kế. Mặc dù với các công trình tại địa phương, chi phí sử dụng tro xỉ san lấp được xem là thấp hơn so với cát, nguồn cát san lấp khan hiếm, giá cát bị đẩy lên cao.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc tài chính Công ty CP Hoàng Sơn Flyash and Cement, để gỡ khó cho doanh nghiệp muốn sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp cần phải tháo gỡ được 2 rào cản chính là chi phí và môi trường. "Các doanh nghiệp sẽ phải đánh giá kỹ chi phí như bốc dỡ, vận chuyển và các vấn đề về an toàn môi trường. Theo tôi biết, tới nay chưa có một đơn vị nào hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý đánh giá tác động môi trường để sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp. Chính vì vậy chúng tôi rất mong các bộ, ban ngành sớm ban hành các tiêu chuẩn cụ thể xúc tiến việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp. Qua đó đẩy mạnh tiêu thụ, xử lý tro xỉ nhất là ở các nhà máy nhiệt điện ở phía Nam hiện đang gặp vấn đề như bãi xỉ gần đầy", ông Vũ nói.
Ông Phạm Viết Hùng, Thành viên HĐTV EVNGENCO1 cho biết, EVNGENCO1 có thể cam kết, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lấp, dùng cho xi măng… Riêng về chi phí, giá mua bán tro xỉ, trước tiên cần xác định đây là vật liệu địa phương có tính chất địa bàn. Vấn đề là sử dụng cho địa phương tại chỗ hay ở một địa bàn khác sẽ cần có tính toán và đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức chi phí, giá thành để làm cơ sở tiến hành đấu giá. "Mục tiêu là làm thế nào đẩy nhanh tiêu thụ 3,8 triệu tấn tro xỉ tại bãi xỉ và đảm bảo tiêu thụ lượng tro xỉ phát thải hàng ngày", ông Hùng nói.
Theo tiết lộ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng công tác tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy vẫn có nhiều triển vọng khi mới đây, chủ đầu tư dự án khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đã đến nhà máy khảo sát thực tế và đang xin các thủ tục sử dụng tro xỉ của các nhà máy để san lấp khu công nghiệp. Nếu thành công, nhu cầu vật liệu san lấp của dự án trên lên tới 8 triệu m3. Tương tự là dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 (Hậu Giang) cũng đang nghiên cứu sử dụng tro xỉ của các nhà máy ở Duyên Hải làm vật liệu san lấp với nhu cầu khoảng 1,5 triệu m3.
Bình luận (0)