4 bất cập về giá khiến ngành điện khó thu hút đầu tư

20/08/2024 21:12 GMT+7

Giá điện còn bộc lộ 4 điểm bất cập rất lớn cần phải sửa đổi cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư.

Đó là chia sẻ từ các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại buổi tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20.8, tại Hà Nội.

4 bất cập về giá khiến ngành điện khó thu hút đầu tư- Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu (bên phải) và ông Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại tọa đàm tìm giải pháp thu hút đầu tư vào ngành điện

ẢNH: NHẬT BẮC

Từ góc nhìn lập pháp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng từ khi có luật Điện lực năm 2004 và sửa đổi năm 2012 đến nay, Chính phủ có hàng loạt cơ chế, thể chế, chính sách… cho ngành điện.

Cạnh đó, chính sách điều chỉnh ngành điện, ngành năng lượng còn có nhiều luật khác nhau chứ không chỉ riêng luật Điện lực. Trong 20 năm qua, ngành điện đã nâng cao được năng lực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội khi người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đảm bảo tiếp cận, sử dụng điện.

Cho rằng tiêu chí tiếp cận điện góp phần thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đây là ngành rất năng động, nhưng ông Phan Đức Hiếu góp ý, cần thẳng thắn nhìn nhận ngành điện đang có những tồn tại, hạn chế phải thay đổi.

Theo ông Phan Đức Hiếu, vấn đề cần thay đổi đầu tiên là chính sách ngành điện đang "ổn định quá", khi luật Điện lực từ năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện đã có từ 2014…, trong khi ngành điện thay đổi rất nhanh nên sự "ổn định" là chậm thay đổi.

"Ngành điện cần đầu tư rất lớn. Từ góc độ các nhà đầu tư thì hệ thống chính sách ngành điện phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ. Chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ thì rõ ràng không đồng bộ", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu còn chỉ ra, nhà đầu tư cần cơ sở pháp lý vững chắc nhưng công tác điều hành có khá nhiều các quyết định, điều này cần phải xem xét. Và việc ngành điện hiện nay thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững.

"Thời gian tới đây trọng tâm là cần phải hoàn thiện về cơ chế và có điều rất mừng là sự quyết tâm của các cơ quan, bộ, ngành có sự thay đổi rất lớn từ năm 2020. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 5 năm, Quốc hội có 1 chuyên đề giám sát về năng lượng. Sau đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc sửa đổi luật Điện lực, xem xét lại Quyết định số 28 về giá bán điện, nhìn về mặt quyết tâm có sự chuyển biến, đây là điều rất cần thiết", ông Hiếu nhìn nhận.

Giá điện chưa theo cơ chế thị trường

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), phân tích về 4 điểm bất cập rất lớn trong giá điện khiến ngành này khó thu hút đầu tư.

Bất cập đầu tiên có tính bao trùm là giá điện chưa theo cơ chế thị trường. Điều này được đánh giá trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, khi cho rằng chính sách năng lượng chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.

Phân tích sâu hơn về điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, toàn bộ chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất điện: than, khí, dầu, tỷ giá... đã theo thị trường nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của chi phí đầu vào; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Chính vì các điều hành này khiến sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn. Ngành điện bị lỗ khoảng 47.500 tỉ đồng trong 2022 - 2023.

Bất cập thứ hai là giá điện đang được kỳ vọng, gánh vác nhiệm vụ nhiều mục tiêu, có những mục tiêu ngược nhau và rất khó xử lý hài hòa giữa các mục tiêu này nên cần phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, xác định đâu là nhiệm vụ mũi nhọn.

"Theo Nghị quyết 55, chúng ta phải dùng những biện pháp thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát, phải tính toán lại chính sách phát điện từ chính sách thị trường này", ông Thỏa nói.

Bất cập thứ ba là cơ chế bù chéo giá điện đã kéo dài, lộ trình xử lý không rõ ràng. Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định.

"Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu một điểm mới là phải chấm dứt bù chéo trong giá điện, việc này chúng tôi đang đề nghị đưa vào luật Điện lực mới, phải luật hóa yêu cầu này", ông Thỏa nói.

Bất cập thứ tư là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội nên khi giảm giá điện thì ngành điện phải tự gánh vác. Ví dụ, trong dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta quyết định giảm giá điện nhưng không quy định chính sách để điều tiết thị trường hợp lý bằng các chính sách thuế, công cụ thị trường...

Đây chính là yếu tố khiến chính sách giá điện còn lẫn lộn, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả, để bảo đảm mục tiêu khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Thỏa cho rằng, giá điện phải được tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch và đây cũng là yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội.

"Giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản nhưng không phải là thị trường thả nổi, phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể tham gia, phải chia sẻ điều này. Người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là đủ điện để dùng. Tới đây, khi sửa luật Điện lực phải cải cách căn bản về giá điện", ông Thỏa nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.