4 cách ăn tinh bột mà không làm tăng đường huyết

Ngọc Quý
Ngọc Quý
20/02/2024 00:06 GMT+7

Tinh bột là thành phần thiết yếu trong chế độ ăn uống hằng ngày. Đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể. Thế nhưng, với những người đang muốn kiểm soát đường huyết, chẳng hạn bệnh nhân tiểu đường, thì ăn tinh bột có thể khiến đường huyết tăng cao.

Tuy nhiên, không phải mọi loại tinh bột đều làm tăng đường huyết. Tin tốt là ăn tinh bột đúng cách sẽ không làm đường huyết tăng đột ngột, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).

4 cách ăn tinh bột mà không làm tăng đường huyết- Ảnh 1.

Diêm mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác dù chứa tinh bột nhưng không làm tăng đường huyết đột ngột nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào

SHUTTERSTOCK

Để ăn tinh bột nhưng không khiến đường huyết tăng cao, mọi người cần lưu ý những điều sau:

Chọn đúng loại tinh bột

Khi nói đến việc kiểm soát đường huyết thì điều quan trọng là phải tập trung ăn tinh bột phức tạp thay vì tinh bộ đơn giản. Tinh bột phức tạp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và rau, khi vào cơ thể sẽ được tiêu hóa chậm hơn. Nhờ đó, lượng đường trong máu sẽ không tăng đột biến.

Trong khi đó, tinh bột đơn giản, chẳng hạn như các món làm từ tinh bột trắng được cơ thể hấp thụ nhanh. Tình trạng này khiến lượng đường glucose trong máu tăng cao, gây tăng đường huyết.

Kết hợp tinh bột với món giàu protein, chất xơ

Kết hợp tinh bột với protein và chất xơ có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường glucose vào máu. Ví dụ, thay vì ăn bánh mì làm từ tinh bột trắng thì hãy chọn bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt và ăn chung với trứng, thịt bò, gà và rau củ. Sự kết hợp này sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó lượng đường glucose trong thức ăn sẽ được hấp thụ vào máu một cách từ từ.

Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp

Chỉ số đường huyết (GI) là chỉ số được dùng để đo lường mức độ mà một loại thực phẩm làm tăng đường huyết. Những món có chỉ số GI thấp được tiêu hóa chậm hơn và không gây biến động đường huyết.

Những món có GI thấp phổ biến là khoai lang, yến mạch, gạo lứt, diêm mạch và các loại đậu. Việc kết hợp những thực phẩm này vào bữa ăn có thể giúp kiểm soát đường huyết trong khi vẫn thưởng thức được tinh bột.

Không ăn quá nhiều tinh bột cùng lúc

Cách ăn tinh bột sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đường huyết. Bên cạnh ăn các món có nhiều chất xơ, ăn tinh bột cùng protein thì mọi người cũng cần tránh ăn quá nhiều tinh bột cùng lúc. Vì dù tinh bột được hấp thu chậm nhưng ăn quá nhiều vẫn có thể khiến đường huyết tăng cao.

Cách tốt là hãy chia nhỏ khẩu phần ăn hằng ngày ra nhiều bữa. Mỗi bữa chỉ ăn một lượng vừa phải. Nhờ đó, đường huyết có thể ổn định suốt cả ngày, theo Everyday Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.