4 kẻ thù ngăn cản cá tính của mỗi người

30/06/2019 16:47 GMT+7

Nhiều bạn trẻ loay hoay đi tìm cá tính của mình, nhưng cá tính là gì và làm thế nào để có được điều này lại là điều không dễ dàng.

Trong buổi đối thoại diễn ra sáng nay (30.6) tại TP.HCM cùng người trẻ, nhà giáo dục Giản Tư Trung đã có những chia sẻ thú vị về chủ đề cá tính của mỗi người.

“Tư duy độc lập là không hèn và không láu”

Nhắc về cá tính, nhà giáo dục Giản Tư Trung đề cập đến tư duy độc lập của mỗi người, vì theo ông, người cá tính là người có tư duy độc lập. Ông Trung cho rằng có 4 kẻ thù ngăn cản tư duy độc lập của mỗi người.

Thứ nhất là tư duy bầy đàn, là những người không theo tiếng lòng, chính kiến của mình mà theo bầy đàn.

Kẻ thù thứ 2 là tư duy khuôn mẫu. Tức là hồi xưa làm vậy, bây giờ cũng làm vậy và sau này cũng sẽ làm như vậy.

Rất đông bạn trẻ muốn đi tìm cá tính của chính mình

HOA NỮ

Ông Trung minh chứng: “Tại sao mọi người lại viết là “đơn xin việc”? Ở đây là hợp tác với nhau làm ăn chứ xin xỏ làm gì. Tại sao phải thấp hèn bản thân? Nhưng nếu viết là “Thư đề nghị hợp tác” thì lại láu quá. Đơn xin việc thì thấp hèn, đề nghị hợp tác thì láu. Vậy làm sao để không hèn và không láu?”.

Trước câu hỏi được đặt ra, một bạn trẻ tại chương trình đã đáp lại: “Nếu không thấp hèn và cũng không láu thì chúng ta có thể viết là “Đơn ứng tuyển” hoặc “thư ứng tuyển”.

Ngay sau phần trả lời này, ông Trung khẳng định: “Đấy chính là tư duy độc lập. Tư duy độc lập là không hèn và không láu. Còn cái tôi thì một là hèn hoặc rất là láu. Hèn thì không đứng trên đôi chân của mình được, còn láu thì lại đạp trên người khác. Những người hèn và láu thì không bao giờ thành công được”.

Kẻ thù thứ 3 ông Trung chia sẻ đó chính là ỷ lại, là trông chờ vào người khác. Minh chứng là những người ở nhà không hạnh phúc thì đổ là tại ba mẹ, đi làm không thành công là tại sếp, đi chơi không vui là do bạn, đi học mà không hiểu là tại thầy…Nói tóm lại là ta vô can với tất cả những thứ liên quan đến cuộc đời ta.

Kẻ thù thứ 4 của tư duy độc lập là luôn luôn khác biệt. Có nghĩa là nếu mọi người đi đường này, dù đúng tôi vẫn đi ngược lại, vì tôi luôn luôn khác biệt. Mà như thế này thì “bệnh” rồi.

“Những người có tư duy độc lập không bao giờ quan tâm là mình giống hay khác người khác. Chính vì thế, cá tính không phải luôn luôn khác biệt, cá tính không phải là dị biệt, cá tính không có nghĩa là khác người. Mà cá tính đó là tư duy độc lập. Là người chỉ làm những điều mình tin là đúng, mình tin là tốt, còn người khác làm thế nào mình không quan tâm, vì mình có chứng kiến riêng”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng nhấn mạnh: “Những người có cá tính thì thường khác người chứ không phải luôn luôn khác người. Khác người là vì đa số mọi người đều bầy đàn, đều khuôn mẫu và ỷ lại. Khác người là hệ quả chứ không phải là mục đích của những người có cá tính. Họ không cần nổi bật trước đám đông, họ không cần phải làm sao để thu hút mọi người. Mà bản thân cách sống, cách suy nghĩ của họ đã tỏa sáng một cách tự nhiên. Chính vì thế, không được nhầm lẫn giữa khác người và cá tính”.

Làm gì để có cá tính?

Đây là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đều muốn đặt ra.

Theo nhà giáo dục Giản Tư Trung, muốn có tư duy độc lập thì phải học cách nghĩ và học cách học, chứ không phải học để biết nhiều.

“Học cách nghĩ là cái học lớn nhất ở đời. Để học được cách nghĩ thì phải luôn luôn đặt câu hỏi “tại sao”. Tức trước khi làm bất cứ cái gì cũng hỏi tại sao phải làm, làm để làm gì? Và đây chính là nguồn gốc để hình thành nên cá tính của mỗi người”, ông Trung nhấn mạnh.

"Vậy tìm tôi là tìm cái gì?", ông Trung cho rằng đó là đi tìm con người văn hóa, con người chuyên môn và con người giới tính của mình. Nếu không tìm được 3 cái này thì chắc chắn mỗi người sẽ không có cá tính.


Đầu tiên là đi tìm con người giới tính, tức mình thuộc giới tính nào? Và tiếp theo là tìm con người chuyên môn.

Ông Trung ví dụ: “Chuyện gì xảy ra nếu con cá đi leo cây, và ngược lại con khỉ mà đi bơi. Vậy rốt cuộc mình là cá hay khỉ, để biết rằng mình nên bơi hay nên leo cây. Đây chính là con người chuyên môn, tức là đi tìm sở trường của mình để biết được thực chất mình giỏi cái gì”.

Và cuối cùng là đi tìm con người văn hóa, điều vô cùng quan trọng của mỗi chúng ta trên hành trình đi tìm cá tính. Con người văn hóa sẽ giúp hình thành “chân thắng” và “chân ga” cho mỗi người. Chân thắng sẽ giúp ta dừng lại những nơi cần phải dừng và chân ga để thôi thúc bản thân làm những điều đúng.

Theo ông Trung, văn hóa là thứ để phân biệt con người với “con” khác. Văn hóa cá nhân là để phân biệt mình với người khác và chúng ta gọi đó là cá tính. Khi có con người văn hóa thì tự khắc sẽ có cá tính. Nhưng cá tính phải xây dựng trên nền tảng của nhân tính. Và chưa có thời đại nào mà nhân tính lại quan trọng như bây giờ. Bởi chúng ta phải đặt câu hỏi là thời buổi hiện nay và cả trong tương lai, con người sẽ khác gì máy móc? Và trí tuệ nhân tạo phát triển đến như vậy, nếu con người  không có nhân tính thì lấy gì để phân biệt với máy móc?.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.