Chàng trai 'lạ lùng'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
04/04/2019 08:02 GMT+7

Khi nhiều người Pa Kô vùng cao Quảng Trị phải mưu sinh chật vật hằng ngày, có chàng trai của bản lại chỉ lo chuyện 'bao đồng': làm phim, lập thư viện, mở nhóm nhảy... Anh muốn các bạn trẻ luôn biết cách níu giữ giấc mơ.

Hồ Tu Pông Ngỡi sinh ra ở bản A Mo Rơ, xã A Xing (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), một bản vùng cao ở chút mút vùng Lìa vốn quanh năm khô khốc. Là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em, bố là cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã, Ngỡi được cho đi học hết bậc phổ thông. Chàng trai 27 tuổi này suýt nữa đã làm thầy giáo khi theo học ngành sư phạm tiểu học tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị. “Tốt nghiệp, mình đã không theo nghề giáo nhưng vẫn rất trân trọng quãng đời sinh viên sư phạm, bởi nhờ dạo đó mà thực sự biết mình yêu thích việc gì”, Ngỡi nói.

“Tay máy” của bản

Chuyện rằng, khi đang là sinh viên, Ngỡi dành dụm mua được 1 chiếc máy tính xách tay. Thiết bị công nghệ đó như mở ra cả một bầu trời rộng lớn đối với chàng trai sinh ra ở nơi mà đến cái máy tính bàn còn lạ lẫm. Vốn tính hay... táy máy, Ngỡi đã mày mò, cài phần mềm để thực hiện một “dự án” chẳng giống ai: lồng tiếng Pa Kô cho một bộ phim hoạt hình. “Dù trang thiết bị thô sơ, nhưng khi hoàn thiện và chiếu cho trẻ em cũng như dân bản xem, ai cũng thích thú, động viên mình làm thêm phim khác”, Ngỡi nhớ lại.
Ra trường, Ngỡi lại tiếp tục lồng tiếng Pa Kô cho những bộ phim khác. Vận may đã đến với Ngỡi khi được người của dự án Y tế Hà Lan - VN để mắt đến. Cậu được tuyển làm tình nguyện viên và phân công chụp ảnh về trẻ em, nước sạch, đời sống người vùng cao. Dự án phi chính phủ này cũng tạo điều kiện cho Ngỡi tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về các kỹ năng quay, dựng và sản xuất phim. Rồi cậu tiếp tục vay mượn tiền mua máy ảnh, máy quay, máy tính để thỏa mãn niềm đam mê phim ảnh của mình. Những tác phẩm của Ngỡi lần lượt ra đời: Đôi dép cho em, Nước sạch cho bản, Lễ hội Ariêu ping, Lễ hội Aza… Không những được bà con dân bản đón nhận, các bộ phim hết sức chân thật của Ngỡi đã được dự án mua lại để sử dụng cho công tác truyền thông của họ.
Giờ đây, khi dự án đã kết thúc, Ngỡi hoàn toàn kiếm sống được với nghề quay phim, chụp ảnh bởi cả vùng Lìa heo hút này chỉ có 2 người Pa Kô biết nghề. “Từ đầu, mình đã xác định việc quay phim chụp ảnh đám cưới, tiệc tùng... sẽ là việc kiếm cơm qua ngày để nuôi lớn đam mê. Tâm huyết của mình vẫn sẽ là làm phim, phim về đồng bào mình, phim về núi rừng này”, Ngỡi thổ lộ.

Lập nhóm nhảy, mở thư viện

Kể cả khi kinh tế vẫn chưa thực sự vững vàng, chàng trai sinh năm 1992 vẫn nghĩ đến những việc làm có ích cho cộng đồng, đặc biệt hướng tới trẻ em...
Ngỡi kể: “Hồi nhỏ mình là đứa trẻ nhút nhát như số đông trẻ con vùng cao, vốn dĩ rất ít được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp”. Mọi sự chỉ khác đi khi cậu được xuống núi học hành, đi đây đi đó, biết quay phim và... biết nhảy. “Phim ảnh là niềm đam mê của cuộc đời, nhưng những điệu nhảy hip hop sôi động đã cho mình cơ hội được bước ra và thể hiện cá tính bản thân”, Ngỡi phấn khích.
Ngỡi hiểu rõ những thiệt thòi mà trẻ em ở quê anh đang gặp phải, như xa trung tâm, điều kiện kinh tế khó khăn, lại thiếu sân chơi lành mạnh. Tháng 3.2015, Ngỡi cùng một số bạn trẻ ở vùng Lìa lập nhóm nhảy Akay Vel (Những đứa con của bản). Đấy là nhóm nhảy "mở", mục đích ban đầu muốn tạo sự tự tin cho thanh thiếu niên vùng cao nên ai cũng có thể tham gia luyện tập, biểu diễn... miễn là có niềm đam mê. Và khi giúp cho các bạn nhỏ giải phóng cơ thể, Ngỡi bước thêm bước nữa: thắp sáng tâm hồn bạn trẻ vùng cao bằng sách. Ngỡi mở thư viện tại gia, phục vụ miễn phí trẻ con trong bản. Chiều chiều, ngôi nhà nhỏ của Ngỡi trở thành nơi chốn cho các em nhỏ được vui chơi, đọc sách, học nhảy miễn phí. “Tiếc là kinh phí hơi ít nên sách chỉ được vài trăm cuốn, mấy đứa nhỏ đọc tới đọc lui hết rồi”, Ngỡi nói.
Ở tuổi 27 nhưng chưa lập gia đình, điều hơi lạ so với thanh niên vùng cao thường vợ con đùm đề từ năm 20 tuổi, nhưng xem ra Ngỡi không quá bận tâm. Có lẽ anh biết tuổi xuân của mình đã trôi qua không uổng phí. Để cứ mỗi chiều chiều, Ngỡi lại ngồi đợi lũ trẻ đến nhà, nói với các em về câu chuyện đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, đừng sợ mình khác biệt, dù cảnh sống có khó khăn đến mấy...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.