4 ngày nữa sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, người dân cần làm ngay những điều này

28/12/2022 11:16 GMT+7

Kể từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy sẽ hết giá trị sử dụng, người dân cần thực hiện những việc sau để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Khoản 3 điều 38 luật Cư trú quy định, kể từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Những cuốn sổ đã cấp trước đây chỉ được sử dụng đến hết ngày 31.12.2022.

Đối chiếu thời hạn nêu trên, chỉ còn 4 ngày nữa, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị “khai tử”. Người dân cần làm gì để thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau này?

Kể từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng

phúc bình

Cập nhật thông tin dữ liệu dân cư

Dù bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng cơ quan chức năng vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân. Điều khác biệt là hình thức quản lý, thay vì thủ công bằng sổ giấy như bấy lâu nay thì tới đây chuyển sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn.

Người dân vẫn cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, cơ quan công an không cấp sổ giấy nữa, mà sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về dân cư.

Điều này có nghĩa thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính, dân sự… Khi làm việc, cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu mà phải khai thác thông tin ở cơ sở dữ liệu dân cư.

Như vậy, trường hợp chưa được cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, người dân cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính kể từ 1.1.2023.

Điều 9 luật Căn cước công dân (CCCD) quy định, thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...

Công an làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho người dân

phúc bình

Làm thủ tục cấp CCCD gắn chip

Trên mỗi thẻ CCCD gắn chip sẽ có số CCCD gồm 12 chữ số. Đây cũng chính là mã số định danh của mỗi công dân, không ai trùng lặp với ai. Số định danh được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc.

Ngoài ra, thẻ CCCD gắn chip còn thể hiện nhiều thông tin khác của công dân như họ, chữ đệm và tên khai sinh; ảnh chân dung; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày thẻ hết hạn; vân tay; ngày cấp thẻ; đặc điểm nhân dạng...

Sau khi sổ hộ khẩu hết giá trị, CCCD gắn chip chính là một trong những phương thức được sử dụng để thực hiện các thủ tục cần thiết. Thay vì phải mang rất nhiều loại giấy tờ như trước đây, người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.

Hiện nay, một số người vẫn đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số hoặc nhóm công dân đến độ tuổi làm CCCD nhưng chưa thực hiện. Điều này có thể dẫn tới khó khăn khi tới đây sổ hộ khẩu không còn giá trị. Những trường hợp này cần nhanh chóng đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip để bảo đảm quyền lợi, tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính không còn sổ hộ khẩu.

Theo Bộ Công an, tính đến ngày 22.12.2022, cơ quan này đã cấp hơn 76,5 triệu thẻ CCCD gắn chip cho công dân trên phạm vi toàn quốc.

Đăng ký tài khoản định danh điện tử cũng là một phương thức có thể thay thế cho các giấy tờ thủ công khi thực hiện thủ tục hành chính

phúc bình

Đăng ký tài khoản định danh điện tử

Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Mức độ 1 gồm thông tin cá nhân và ảnh chân dung, mức độ 2 có thêm thông tin về sinh trắc học (vân tay).

Bộ Công an cho hay, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.

Tài khoản định danh mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Như vậy, sau khi sổ hộ khẩu không còn giá trị, cơ quan nhà nước có thêm một phương thức để kiểm tra thông tin của người dân trên môi trường điện tử mà không bị phụ thuộc vào giấy tờ truyền thống trước đây.

Việc này tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, giảm giấy tờ cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến trên cổng dịch vụ công.

Hiện nay, để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân cần trực tiếp đến cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho mình.

Tính đến ngày 22.12.2022, toàn quốc đã phê duyệt hơn 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.