4 nguyên nhân gây mất ngủ có thể bạn chưa biết

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/09/2023 00:06 GMT+7

Mất ngủ không những khiến cơ thể mệt mỏi, suy yếu mà còn ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung và sức khỏe tinh thần.

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ với 3 đặc điểm chính là khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ được và giật mình nửa đêm thì khó ngủ lại, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Nếu mất ngủ kéo dài dưới 1 tháng thì được xem là mất ngủ ngắn hạn. Nếu mất ngủ kéo dài trên 1 tháng thì là mất ngủ mạn tính. Mất ngủ có thể là hệ quả của các vấn đề sức khỏe sau:

4 vấn đề sức khỏe tiềm ẩn đang gây mất ngủ mà người bệnh không biết - Ảnh 1.

Người bệnh trầm cảm có thể bị mất ngủ kéo dài

SHUTTERSTOCK

Hen suyễn

Hen suyễn sẽ khiến đường hô hấp người bệnh bị thu hẹp, dẫn đến khó thở. Các triệu chứng thường gặp khác của hen suyễn là thở khò khè, tức ngực và ho. Người bệnh thường ho nhiều vào ban đêm và đây chính là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ.

Ngoài ra, bệnh nhân hen suyễn còn có thể gặp các vấn đề sức khỏe phát sinh kèm theo như viêm mũi mạn tính và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Cả 2 căn bệnh này đều ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Kiểm soát tốt hen suyễn sẽ giúp giảm chứng mất ngủ.

Trầm cảm

Trầm cảm là rối loạn tâm lý mà người bệnh phải có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng là trầm buồn và mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây. Các triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 2 tuần và ảnh hưởng đến các hoạt động khác như học tập, làm việc.

Người bị trầm cảm có thể ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ. Để cải thiện giấc ngủ, những người bị trầm cảm cần đến gặp bác sĩ tâm thần kiểm tra.

Tiểu đường loại 2

Những người bị tiểu đường loại 2 thường bị mất ngủ. Nguyên nhân chủ yếu là do mức đường huyết tăng cao sẽ khiến người bệnh khát nước và uống nhiều nước. Uống nhiều nước sẽ khiến đi tiểu nhiều và đây là nguyên nhân làm mất ngủ vào buổi tối.

Không những vậy, đường huyết trong máu quá thấp cũng góp phần gây mất ngủ. Kiểm soát đường huyết tốt sẽ giúp người bị tiểu đường có giấc ngủ ngon. Các chuyên gia khuyến cáo việc đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm cố định trong ngày sẽ giúp thiết lập đồng hồ sinh học và dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Ung thư

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ ước tính khoảng 50% bệnh nhân ung thư gặp vấn đề về giấc ngủ. Có rất nhiều yếu tố khiến người bệnh bị mất ngủ như lo lắng, đau nhức, khó thở, sốt cao và ngứa. Khối u ung thư cũng gây buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.

Ngoài ra, một số loại thuốc trị ung thư sẽ gây ra một số tác dụng phụ với ruột, bàng quang, gây khó thở, đau, tăng cảm giác lo lắng và bốc hỏa. Tất cả các yếu tố này đều khiến người bệnh dễ mất ngủ, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.