Mới chỉ có 4 đơn vị đủ điều kiện
Ngày 14.11.2018 Báo Thanh Niên có bài đăng Chưa nơi nào đủ điều kiện tổ chức thi chứng nhận ngoại ngữ quốc gia! phản ánh tình trạng suốt một năm cả nước không có đơn vị nào đủ điều kiện tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ này.
Theo đó, từ năm 2008 Bộ GD-ĐT ban hành quy định chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành theo Khung ngoại ngữ 6 bậc thay thế Quyết định 177/1993 về chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C. Đầu năm 2014, Bộ tiếp tục ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm 3 cấp và 6 bậc và chỉ công nhận 10 đơn vị đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ rà soát năng lực tiếng Anh cho giáo viên theo khung năng lực này gồm các trường ĐH: Vinh, Sư phạm Hà Nội, Cần Thơ, Thái Nguyên, Sư phạm TP.HCM, Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Hà Nội, Ngoại ngữ (ĐH Huế), Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm SEAMEO RETRAC.
Tuy nhiên đến tháng 8.2017, trên cơ sở kết quả thanh tra phát hiện một số sai phạm trong việc ôn thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, Bộ yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng nhận năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ cho đến khi Bộ có quy định cụ thể.
Tháng 9.2017, Bộ ban hành Thông tư số 23 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Sau hơn một năm, đến nay Bộ GD-ĐT đã có công văn thông báo cho 4 đơn vị đủ điều kiện triển khai thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, gồm: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).
Trong công văn gửi các trường, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị đăng tải công khai đề án tổ chức thi đánh giá trên cổng thông tin điện tử của trường và Bộ. Đồng thời triển khai đề án thi đánh giá đảm bảo đúng quy định, cấp phát và quản lý chứng chỉ theo đúng các quy định hiện hành của Bộ.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo kế hoạch tổ chức thi hằng năm; thời gian, địa điểm của từng đợt thi; tổng hợp, đánh giá kết quả thi sau mỗi đợt thi về Bộ để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo.
Bộ cũng giao cho Cục Quản lý chất lượng chủ trì, Ban Quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia phối hợp trực tiếp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các trường thực hiện công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo đúng các quy định hiện hành.
Chứng chỉ nội bộ không được tuyên bố là chứng chỉ theo thông tư 23!
Theo thông tư 23/2017 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, để tổ chức kỳ thi này, các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ (nhóm ngành giáo viên) phải xây dựng đề án tổ chức thi và công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường, Bộ, trong đó nêu cụ thể danh sách cán bộ ra đề và chấm thi.
Riêng hình thức thi trên máy vi tính, phòng máy dùng để thi các kỹ năng nghe, đọc, viết không được bố trí quá 100 thí sinh đồng thời trong cùng phòng thi. Ở bài thi nói, cần bố trí vị trí ngồi cho thí sinh để đảm bảo chất lượng thu âm.
Về giá trị giấy chứng nhận năng lực ngoại ngữ, theo công văn số 3755/BGDĐT-GDTX ngày 3.8.2016 của Bộ GD-ĐT, việc chấp nhận chứng chỉ, chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ, chứng nhận là do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc Sở GD-ĐT (nếu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc.
Thông tin từ Bộ, các chứng chỉ và chứng nhận do các đơn vị đào tạo bồi dưỡng (chưa được công nhận đủ điều kiện theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT) tự ban hành có giá trị nội bộ và không được tuyên bố là chứng chỉ theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.
Bình luận (0)