Triển lãm Tranh truyện Hàng Trống gồm 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm Tranh truyện Hàng Trống được họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho rằng có lẽ được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Tranh Hàng Trống được chia thành nhiều loại như tranh thờ, tranh sinh hoạt, thiên nhiên, tranh truyện, tranh tết. Trong đó, tranh truyện được vẽ theo các tích truyện cổ.
Điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, và đặc biệt kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa độc đáo của người kinh kỳ xưa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, với người Hà Nội xưa, một món ăn tinh thần không thể thiếu và là thú chơi tao nhã chính là Tranh dân gian Hàng Trống. Mỗi bức tranh Hàng Trống tại triển lãm toát lên nét sinh động, tinh tế, ý nhị, sâu sắc cả về nội dung và hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam.
“Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống hiện nay, tôi hy vọng sự kiện chính là cơ hội tuyệt vời để công chúng chiêm ngưỡng và cảm nhận rõ hơn những vẻ đẹp và giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà thành”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê, người từng nhiều năm công tác trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, vốn di sản quý báu của dân tộc Việt Nam.
"Nhưng có lẽ lâu lắm rồi, khán giả mới có dịp tiếp xúc lại với loại tranh này. Tranh Hàng Trống đã có niên sử cách đây hàng trăm năm. Tất cả các công đoạn tạo nên bức tranh đều phải được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo để đạt chất lượng cao", họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ.
Trong khuôn khổ sự kiện, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê còn trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ.
“Bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc nữ nhi anh kiệt, những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa giúp giáo dục về những nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho người đương đại", họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói.
Đến tham quan triển lãm, chị Chu Thúy Quỳnh ( trú Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi rất vui khi trong đời sống hiện đại ngày nay còn có cơ hội ngắm nhìn những kiệt tác của một dòng tranh quý - tranh Hàng Trống. Các nét vẽ không chỉ mang đậm tính dân gian của Hàng Trống cổ xưa, đơn giản, không sắc nét, mà còn đan xen những nét đẹp hiện đại trong đó.
Tôi khá thích thú khi chứng kiến du khách nước ngoài đến triển lãm thưởng thức, đón nhận dòng tranh truyền thống của Việt Nam. Đó là những tín hiệu tích cực để thế hệ trẻ phát huy việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp dân gian này”.
Triển lãm Tranh truyện Hàng Trống diễn ra từ 18 - 31.3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bình luận (0)