Mới đây, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa thực hiện một khảo sát có nội dung “Sinh viên mới ra trường cùng những cơ hội và thách thức trong bước đầu của sự nghiệp”.
Dựa trên việc phân tích kết quả của hơn 1.600 câu trả lời từ ứng viên là sinh viên mới ra trường trong cơ sở dữ liệu của mạng tuyển dụng VietnamWorks, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành Navigos Search cho biết: “Khi được hỏi về 3 yếu tố cá nhân có ảnh hưởng nhất đến quyết định thay đổi công việc, có đến 40% ứng viên cho rằng mình nghỉ việc là do 'không yêu thích công việc hằng ngày'. Trong số đó, có đến 80% ứng viên được làm công việc đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành đào tạo. Điều này cho thấy, dù được làm đúng chuyên ngành đã học, nhưng không phải ứng viên nào cũng tìm thấy được niềm vui từ công việc”.
Nguyễn Thùy Dung từng là một nhân viên telesales của ngân hàng N.V tại TP.HCM. Trước đây Dung học ngành tài chính ngân hàng, tốt nghiệp, Dung nộp hồ sơ và chờ ngày đi làm với sự háo hức không nhỏ. Tuy nhiên, Dung được nhận vào Trung tâm telesales với công việc hằng ngày là gọi điện cho khách hàng mời vay tiền. “Ngày nào cũng gọi mấy chục cuộc điện thoại nhưng chỉ 1 - 2 người quan tâm. Trong khi chỉ tiêu mỗi tháng em phải cho vay từ 1,5 - 2 tỉ đồng, huy động được 1 tỉ tiết kiệm và làm được 10 thẻ tín dụng. Công việc nhàm chán, áp lực và tỷ lệ thành công thấp. Em yêu thích công việc của một nhân viên giao dịch ngồi tại quầy, tiếp xúc với những khách hàng thực tế hơn”, Dung chia sẻ.
Trong khi đó, Phạm Tú Uyên lại không yêu thích công việc kế toán của mình. Theo Uyên, công việc ghi chép, thu thập, xử lý và lưu trữ các hóa đơn, chứng từ kế toán, rồi tính lương, bảo hiểm, các khoản phụ cấp khác cho người lao động… rất mệt mỏi, khô khan, chỉ cần lơ là, thiếu cẩn thận một chút là nhầm lẫn. “Đúng là làm kế toán không thú vị, rất dễ bị stress. Em sẽ tìm kiếm một công việc khác thoải mái hơn”, Uyên cho biết.
Liên quan đến nguyên nhân ứng viên trẻ chán công việc của mình, cũng theo khảo sát, có 61% ý kiến cho biết kiến thức được trường đào tạo và thực tế làm việc là khác biệt hoàn toàn. Rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp cho rằng mình không có định hướng nghề nghiệp cụ thể. Do đó, họ khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm dẫn đến việc sẵn sàng làm bất cứ công việc nào và khi được tuyển dụng rồi thì sẽ không yêu thích công việc của mình.
“Chọn sai ngành học, ít trải nghiệm, ít tìm hiểu về ngành nghề mình theo đuổi cũng là nguyên nhân khiến sinh viên tốt nghiệp cảm thấy chán đi làm dù kiếm được việc làm”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận.
Đưa ra giải pháp, ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành Navigos Group Việt Nam, chia sẻ: “Ứng viên trẻ không nên đặt nặng việc tìm ra một 'công việc trong mơ' mà cần dành thời gian để tiếp nhận và xử lý thông tin. Đây là lúc để sinh viên mới ra trường làm quen với môi trường làm việc, cách áp dụng những kỹ năng và kiến thức cần thiết khi đi làm. Đồng thời đây cũng là khoảng thời gian ứng viên nên sử dụng để quan sát cách thức một công việc hoạt động, một doanh nghiệp hoạt động, tìm kiếm sự hướng dẫn từ cấp trên, đồng nghiệp và những người đi trước để có nền tảng chuẩn bị cho việc xây dựng lộ trình sự nghiệp”.
Bình luận (0)