Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành công văn về kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học từ năm 2023-2024. Theo Sở GD-ĐT, việc triển khai kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học về vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp học sinh có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Thực hiện khoa học, tiết kiệm
Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục kỹ năng công dân số theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bảo đảm nguyên tắc khoa học, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, trên tinh thần tự nguyện của cơ sở giáo dục.
Về định hướng hình thức tổ chức, trước tiên Sở GD-ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện việc dạy học môn tin học (từ lớp 3), đáp ứng đúng nội dung và yêu cầu cần đạt tương ứng theo quy định của chương trình bảo đảm hình thành và phát triển năng lực tin học, năng lực số cho học sinh.
Kế đó, việc giáo dục kỹ năng công dân số được tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học. Giáo viên (ngoài các giáo viên dạy môn tin học) cần nghiên cứu chương trình các môn học, nội dung, phương pháp tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số. Việc tích hợp này cần chú trọng hình thức tích hợp nội môn, liên môn. Có thể sử dụng hình thức bài học STEM, bảo đảm tiến trình bài học theo thiết kế kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học…
Tiếp đó, định hướng thực hiện còn là dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số. Trên cơ sở điều kiện thực tiễn, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số với nội dung và thời lượng phù hợp. Trong đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đặc biệt chú ý cần tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh lớp 1, lớp 2 để thực hiện "hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số" và tăng cường thời lượng và nội dung cho đối tượng học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo từng chủ đề, mạch kiến thức.
Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học. Có thể dạy trải đều theo số tiết/tuần (1-2 tiết/tuần) hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn trong năm học.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục có thể tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số. Các câu lạc bộ này được tổ chức theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh dựa trên năng khiếu, sở trường và sở thích của các em.
Từ năm học 2024-2025 sẽ triển khai 100% các trường tiểu học
Theo kế hoạch, trong tháng 3.2024, TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của 44 trường tiểu học (danh sách 44 trường tại đây). 100% bộ quản lý, giáo viên của các trường tiểu học còn lại được tập huấn vào tháng 8.2024.
Trong năm học 2023-2024, toàn thành phố có 44 trường tiểu tham gia thí điểm triển khai giáo dục kỹ năng công dân số. Còn từ năm học 2024-2025 triển khai mở rộng đến 100% trường tiểu học trong thành phố.
"Phòng GD-ĐT tham mưu UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, đồng thời khai thác các nguồn lực xã hội đúng quy định của pháp luật để bảo đảm điều kiện thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số trong cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn. Nội dung, định mức chi được hiện theo đúng quy định hiện hành", văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ.
Bình luận (0)