45% ca cấp cứu ở BV Việt Đức do rượu bia

15/09/2014 10:50 GMT+7

Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), số người bị tai nạn giao thông do rượu bia chiếm 40 - 50% trong các ca cấp cứu, trong đó số trường hợp tử vong do rượu bia chiếm 10%.

Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), số người bị tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia chiếm 40 - 50% trong các ca cấp cứu, trong đó số trường hợp tử vong do rượu bia chiếm 10%. 

45% ca cấp cứu ở BV Việt Đức do rượu bia
Bệnh viện Việt Đức là nơi tiếp nhận nhiều nạn nhân TNGT do sử dụng rượu bia - Ảnh: Thúy Anh

Đáng chú ý, bệnh nhân nam giới trong độ tuổi sung sức (20 - 59 tuổi) chiếm 80% các ca tử vong do TNGT. Thậm chí, có những trường hợp TNGT tử vong có sử dụng rượu bia chỉ trong độ tuổi từ 15 - 19. 

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Đặng Hải Sơn, khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt Đức cho biết, ông vẫn chưa thể quên được những ca cấp cứu kinh hoàng, khi bệnh nhân là nạn nhân “ma men” nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch: chấn thương sọ não, đa chấn thương: vỡ xương chậu, dập nát phổi, vỡ gan, chảy máu ồ ạt.  

“Không ít  bệnh nhân tử vong ngay trước cổng viện khi đến cấp cứu. Mới ba tuần trước, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 56 tuổi ở Bắc Giang nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, mất hoàn toàn phản xạ, hai đồng tử giãn. Qua xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu ở mức rất cao. Bệnh nhân bị hôn mê sâu, mất các phản xạ”, bác sĩ Sơn dẫn chứng. 

Theo lời kể của gia đình nạn nhân, trước khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân này đã uống rượu nhiều giờ với bạn bè, rồi đi xe máy về nhà. Trên đường đi, do không làm chủ được tay lái nên đã tông trực diện vào xe tải đi ngược chiều. “Các bác sĩ đã nỗ lực hết mình, nhưng nạn nhân đã bị hôn mê sâu, đa chấn thương nên không thể cứu được”, bác sĩ Sơn nhớ lại.  

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc sử dụng rượu bia làm gia tăng chấn thương, tăng nguy cơ tử vong khi xảy ra TNGT. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng say rượu bia của nạn nhân chấn thương do TNGT làm chậm, gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán mức độ chấn thương, cũng như gây khó khăn cho việc điều trị, bởi độ cồn trong máu làm giảm tác dụng của thuốc đưa vào cơ thể.

“Không chỉ mất chi phí lớn, có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi ngày điều trị nếu bị chấn thương nặng, nhiều người sử dụng rượu bia dẫn tới TNGT không còn cơ hội sống sót. Trong đó, nhiều trường hợp sau khi cứu chữa nhưng vẫn tử vong đã để lại cho gia đình món nợ lớn, trong khi gia đình lại mất đi một trụ cột. Trong trường hợp này, một người chết do TNGT còn làm mất đi tương lai, mất đi cơ hội được sống tốt hơn về vật chất, tinh thần, cơ hội học tập của người thân trong gia đình”, bác sĩ Sơn nhận xét.  

Theo PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học VN, rượu bia là một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông làm tăng khả năng xảy ra tai nạn lên 4 - 5 lần.  

TS Cường dẫn chứng: các nghiên cứu cho thấy rượu bia kích thích các hoạt động của cơ thể, nó khiến người ta “hăng hái” hơn, muốn đi nhanh hơn, lạng lách mà không còn sợ tai nạn. Thời điểm đầu sau khi uống rượu, bia, nồng độ cồn vào cơ thể ức chế vỏ não khiến người ta hành động theo bản năng, dẫn đến việc điều khiển hành vi không chuẩn xác, không làm chủ được bản thân.  

Do đó, dễ thấy ở người sử dụng rượu, bia quá mức là họ có các hành vi  bất chấp, trong đó có việc lái xe ẩu tả, bừa bãi. Lượng cồn quá trong máu sẽ tác động đến thần kinh làm giảm tầm nhìn, giảm các phản xạ, làm sai lệch phương hướng, giảm khả năng thăng bằng khi điều khiển phương tiện, dẫn đến tai nạn.

Liên Châu - N.T

>> Tai nạn giao thông, một người chết
>> Cần cảnh báo tại 'đoạn đen' tai nạn giao thông
>> Tai nạn giao thông tăng trở lại: 30 người chết trong một ngày
>> Tai nạn giao thông, 3 người tử vong tại chỗ
>> Cán bộ đoàn hiến máu vì nạn nhân tai nạn giao thông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.