Mới đây, Bloomberg đưa ra nhận định về 5 yếu tố then chốt quyết định thị trường chứng khoán châu Á năm 2023.
Sự phục hồi của Trung Quốc
Việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế sẽ là chìa khóa thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế nước này, tạo động lực cho toàn khu vực tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thị trường phục hồi đến đâu vẫn còn phải phụ thuộc vào các diễn biến bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới cũng như các lo ngại do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bloomberg dẫn lời chiến lược gia Amir Anvarzadeh, thuộc Công ty tư vấn tài chính Asymmetric Advisors (Nhật Bản), lưu ý sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu về nguyên liệu thô nhiều hơn và lạm phát cao hơn, nên cản trở lộ trình giảm tốc độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Bên cạnh đó, triển vọng đối với ngành bất động sản của Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức.
Thị trường chứng khoán các nước châu Á có thể gặp nhiều thách thức trong năm 2023 |
Reuters |
USD giảm giá
Năm 2022, việc đồng bạc xanh tăng giá mạnh đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là với những bên vay bằng USD và các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, áp lực này đã giảm bớt khi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ, cho phép USD giảm giá so với mức đỉnh hồi tháng 9.2022.
Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán châu Á sau khi rút gần 60 tỉ USD ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2022. Bloomberg đánh giá, đây là dòng tiền lớn nhất mà các nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán khu vực kể từ năm 2010 đến nay.
Thị trường chip
Năm 2022, các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Hàn Quốc và Đài Loan như Samsung và TSMC đã có một năm khó khăn, nên giá cổ phiếu nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nửa cuối năm 2023 sẽ chứng kiến các biến chuyển tích cực trong lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của TSMC cũng như các nhà sản xuất thiết bị và sản xuất chip khác của châu Á. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chip sẽ “trợ lực” thị trường này.
Chính sách tiền tệ của BOJ
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ quyết định tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào tháng 12.2022 đã làm thổi bùng kỳ vọng rằng BOJ sẽ chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ, thay vì duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong suốt thập niên qua. Động thái này sẽ thúc đẩy yen tăng giá, tạo áp lực lên các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất ô tô.
Bất kỳ sự thay đổi nào trong thời gian tới của BOJ sẽ tác động vượt ra ngoài thị trường Nhật Bản và cả châu Á, bởi vì các công ty và các nhà đầu tư Nhật Bản là những người mua chủ yếu các tài sản ở nước ngoài và yen là loại tiền tệ tài trợ rộng rãi trên toàn cầu.
Căng thẳng địa chính trị
Hiện nay, quan hệ Mỹ - Trung có vẻ được cải thiện hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức do bất đồng sâu sắc giữa hai nước. Chính điều này khiến giới đầu tư e ngại khi đặt cược quá lớn vào các cổ phiếu Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng rủi ro địa chính trị là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Bình luận (0)