Sẵn sàng đón thị trường Trung Quốc mở cửa

06/01/2023 07:52 GMT+7

Các doanh nghiệp , đặc biệt là lĩnh vực nông sản đã chuẩn bị sẵn sàng đón sự trở lại của thị trường tỉ dân Trung Quốc từ ngày 8.1.

Nhiều ý kiến ví von, Trung Quốc mở cửa trở lại thị trường vào đúng thời điểm mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) thế giới cần tiếp thêm ô xy, sau giai đoạn lạm phát gia tăng và sức mua giảm.

Nông sản Việt hút hàng tăng giá

Các mặt hàng như gạo, trái cây, tôm, cá… được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại sau khi Trung Quốc mở cửa. Tại Bình Thuận, thủ phủ thanh long của VN mấy ngày gần đây nhiều vựa thu mua báo giá thanh long ruột trắng thấp nhất 16.000 đồng/kg, hàng loại 1 lên đến 21.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), cho biết: “Hiện nay thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang hút hàng. Từ lúc Trung Quốc mở cửa khẩu, dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch, công ty tôi đã chuyển toàn bộ hàng hóa đường biển sang đường bộ để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường. Tình hình chung của các DN trái cây là khá phấn khởi và nhộn nhịp. Nếu như cùng thời điểm này năm trước thanh long rớt giá thê thảm còn 1.000 - 2.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên trên 30.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để thu mua”.

Sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh

Đào Ngọc Thạch

Khu vực ĐBSCL đang vào chính vụ thu hoạch nhiều loại trái cây. Mặt hàng “sốt giá” nhiều nhất phải kể đến là sầu riêng, một sản phẩm đang được tiêu thụ và tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc. Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm (Tiền Giang), thông tin: Thời gian gần đây giá sầu riêng xuất khẩu (có mã số vùng trồng) liên tục tăng. Hồi cuối tháng 12.2022, giá sầu riêng loại một thu mua tại vườn khoảng 80.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với mùa trước). Sau khi có thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường đã tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg. “Trước cơn sốt giá này chúng tôi phải tạm ngưng nhập hàng vì có thể đối diện với nguy cơ thua lỗ nếu “đụng” phải hàng đông lạnh từ Thái Lan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ thu mua ở những vùng trồng được cấp mã số theo quy định”, ông Tâm nói.

Hiện nay thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang hút hàng. Từ lúc Trung Quốc mở cửa khẩu, dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch, công ty tôi đã chuyển toàn bộ hàng hóa đường biển sang đường bộ để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường. Tình hình chung của các DN trái cây là khá phấn khởi và nhộn nhịp.

Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM)

Tôm cũng là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp năm mới ở Trung Quốc. Đối với mặt hàng tôm hùm, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn, chia sẻ: Giá tôm hùm tại các vùng nuôi hiện vẫn chưa tăng cao, tuy nhiên các hợp đồng chính ngạch đã ký với khách hàng Trung Quốc thì bắt đầu được công ty triển khai. Bên cạnh đó, công ty còn ký được hợp đồng xuất khẩu cua Cà Mau và đã giao lô hàng chính ngạch đầu tiên để khách hàng đánh giá.

Còn ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa ở Cà Mau, hồ hởi thông báo: Thời điểm này, các DN Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu các loại tôm sú, nhất là loại cỡ từ 40 con/kg trở lên để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Sức mua thị trường nội địa cũng đang tăng dần lên. Tuy nhiên, vấn đề của VN là nguồn cung hạn chế. Để đáp ứng lượng đơn hàng tăng khoảng 40% từ phía các DN Trung Quốc, Công ty Anh Khoa đang tích cực phối hợp với các vùng nuôi để có thể thu hoạch tôm thời điểm sau tết nhằm đưa vào chế biến phục vụ thị trường.

Chất lượng hàng năm sau phải hơn năm trước

Bà Lê Thương, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (Vietpepper), chuyên kinh doanh các mặt hàng gia vị, nói: Trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn khi chi phí sản xuất, lãi suất ngân hàng tăng mà sức mua lại yếu, xuất khẩu qua các thị trường Mỹ, Nhật hay EU đều gặp rất nhiều khó khăn. DN nhỏ như Hồ Tiêu Việt phải tốn rất nhiều tiền “chạy” các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu nhằm bán được hàng. Đây là cách để xoay vòng đồng vốn và có đủ chi phí lo lương thưởng tết cho người lao động. Thế nên, việc Trung Quốc mở cửa thị trường vào thời điểm này là thông tin tích cực cho rất nhiều DN VN và cả các nước khác trên thế giới. Điều này cũng giống như mở van bình ô xy cho các DN có làm ăn với thị trường khổng lồ này. “Tuy nhiên, thời điểm này lại khá cận Tết Nguyên đán ở cả VN và Trung Quốc, chính vì vậy khả năng phục hồi ngay sau khi mở cửa không cao; nhiều khả năng sau tết các hoạt động thương mại mới thật sự phục hồi và khởi sắc. Riêng bản thân DN của mình, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa hàng trở lại thị trường Trung Quốc”, bà Thương nhận định.

Cửa khẩu hoạt động xuyên tết

Văn phòng Cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng được duy trì thông suốt, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên. Từ ngày 21 - 27.1 (tức ngày 30 tết đến mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2023), tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước.

Ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty cổ phần khoai lang Nhật Thành (H.Bình Tân, Vĩnh Long), phấn khởi chia sẻ: Việc Trung Quốc mở cửa thị trường bình thường trở lại như trước kia thì DN sẽ tiết kiệm được từ 3 - 4 triệu đồng/xe (container 30 tấn), chi phí kiểm dịch. Bên cạnh đó thời gian thông quan sẽ rút ngắn hơn rất nhiều vì không phải đổi tài, đổi xe vận chuyển như trước. Không chỉ khoai lang mà nhiều loại nông sản xuất khẩu sang thị trường 1,5 tỉ dân cũng sẽ được lợi. Cụ thể như hiện nay, giá mít thu mua tại vườn ở Vĩnh Long khoảng 20.000 đồng/kg, tăng gấp khoảng 4 lần so với tết năm trước. “Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT của VN và Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đăng ký và chờ cấp chứng nhận mã số vùng trồng và đóng gói cho khoai lang. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân để tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoai lang của thị trường Trung Quốc trong thời gian tới”, ông Có lạc quan.

Cũng theo ông Có: “Quan điểm của chúng tôi khi làm ăn với thị trường Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào cũng vậy là phải liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng, năm sau phải tốt hơn năm trước. Chúng ta nên từ bỏ thói quen đối phó là những chuyến hàng đầu rất tốt, sau đó lại buông lỏng dẫn đến chất lượng đi xuống rồi dẫn đến nguy cơ mất uy tín, mất thị trường. Bây giờ, thị trường Trung Quốc cũng khó tính không khác gì các thị trường cao cấp truyền thống. Nếu chúng ta không duy trì uy tín thì không chỉ những mặt hàng trong danh mục theo nghị định thư bị ảnh hưởng mà nó sẽ ảnh hưởng cả những mặt hàng đang đàm phán ký nghị định thư. Sự khó tính của thị trường Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực buộc chúng ta không ngừng tiến bộ về cả quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Người nông dân phải liên kết lại với nhau và làm theo các tiêu chuẩn mà các DN hướng dẫn vì đó là yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó cần thực hiện theo những quy chuẩn về quy trình canh tác, danh mục phân thuốc của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo an toàn và đúng quy hoạch chiến lược”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.