Tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu chính ngạch
Trong danh mục sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu Trung Quốc, nhiều mặt hàng được hai nước ký nghị định thư trong năm 2022 dự báo tăng trưởng mạnh khi biên giới được mở cửa, các cửa khẩu thông thương trở lại.
Xuất khẩu rau quả năm 2023 dự báo đạt mốc 4 tỉ USD |
Vũ Mạnh Hưng |
Điển hình nhất là trái sầu riêng, xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch khiến loại trái cây này tăng trưởng mạnh mẽ. Ngày 19.9.2022, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam. Chỉ hơn 1 tháng sau, tháng 10.2022, sầu riêng trở thành mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất vào Trung Quốc, đạt 49,9 triệu USD (chiếm 32,9% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này) và cao gấp 42,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá trị xuất khẩu sầu riêng từ sau khi có nghị định thư đến hết năm 2022 ước đạt trên 300 triệu USD. Dự báo năm 2023, sầu riêng tiếp tục là trái cây tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu vào Trung Quốc và sẽ cán mốc 1 tỉ USD.
Sau sầu riêng, chuối cũng được hưởng lợi khi có nghị định thư. 9 tháng năm 2022, xuất khẩu chuối vào Trung Quốc đạt gần 600.000 tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 3 quý năm 2022, chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng nhập khẩu vào Trung Quốc.
Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chuối và sản phẩm chế biến từ chuối của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh vào các thị trường Singapore, Malaysia. Còn đối với Nga, tương tự với mít, chuối được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sấy khô, cắt lát và đều duy trì được mức tăng trưởng khá hàng năm. Sau thanh long, sầu riêng, mít, xoài thì chuối đang là trái cây xuất khẩu mạnh, mỗi năm đem về hơn nửa tỉ USD.
Dự báo "bùng nổ xuất khẩu rau quả"
Nhận định từ các doanh nghiệp, chuyên gia ngành rau quả, Trung Quốc nới lỏng chống dịch Covid-19 trong nước, mở lại hàng hoạt dịch vụ đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo mở cửa biên giới từ ngày 8.1, trùng với thời điểm tết Nguyên đán 2023, là những yếu tố cộng hưởng khiến sức tiêu thụ hàng hóa ở nước này tăng rất mạnh, phải đẩy mạnh nhập khẩu. Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng ngay trong tháng đầu tiên năm 2023.
Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc chi ra 15 tỉ USD nhập khẩu các mặt hàng rau quả và việc mở cửa cho hàng loạt trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2022 là động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2023.
Sầu riêng dự báo đạt giá trị xuất khẩu 1 tỉ USD vào thị trường Trung Quốc trong năm 2023 |
Duy Tân |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch. Ở thị trường này, Việt Nam đang có nhiều mặt hàng lợi thế như thanh long, mới đây là sầu riêng. Dự báo mỗi loại trái cây này sẽ đạt giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, nhóm trái cây gồm: chuối, mít, xoài…, mỗi loại có giá trị xuất khẩu tới vài trăm triệu USD.
"Trung Quốc mở cửa biên giới, rau quả vận chuyển bằng đường bộ sẽ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn sẽ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác để cung ứng vào thị trường tỉ dân này”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, thành công trong xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường năm 2022 đưa nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Ngoài ra, bưởi, chanh của Việt Nam được xuất khẩu vào New Zealand; trái nhãn tươi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Mỹ cũng cho phép nhập khẩu bưởi từ Việt Nam... Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia được kiểm soát, khó khăn về logistics giảm dần, giá cước vận chuyển càng rẻ thì rau quả Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi.
“Thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Chúng tôi dự báo năm 2023 là năm bùng nổ xuất khẩu rau quả, tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022. Xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỉ USD thì năm 2023 sẽ cán mốc 4 tỉ USD”, ông Nguyên nói.
Bình luận (0)