5 công nghệ gây 'mất niềm tin' trên internet

07/11/2022 11:25 GMT+7

Môi trường internet luôn đầy rẫy thông tin giả nhưng mọi thứ dường như trở nên phức tạp và khó phân biệt hơn từ khi có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).

Deepfakes

Diễn viên hài Jordan Peele (phải) từng tạo clip sử dụng deepfake thành cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái)

chụp màn hình

"Deepfakes" là một khái niệm khá rộng, bao gồm các công nghệ khác nhau sử dụng mạng nơ-ron nhân tạo (neural network) nhằm đạt được mục đích riêng biệt. Deepfakes được chú ý nhiều khi những video sử dụng công nghệ này để thay thế mặt người khác vào nội dung trở nên phổ biến và ngày càng dễ thực hiện. Nhờ đó, bất kỳ ai cũng có thể thay thế mặt của diễn viên, người nổi tiếng hoặc chỉ thay riêng phần miệng và tạo ra những clip nhân vật đang phát ngôn hay vào vai người khác dù thực tế chưa từng xảy ra.

Giọng nói - đặc điểm rất riêng của một người cũng bị deepfakes làm giả, không chỉ riêng khuôn mặt hay khẩu hình miệng, khiến cho các nội dung không khác gì được quay từ thực tế. Nguy hiểm hơn nữa, hiện nay deepfakes đã có thể sử dụng theo thời gian thực, tạo ra lỗ hổng để tin tặc hay kẻ gian đóng giả người khác trong những video livestream hay chương trình phát sóng trực tuyến. Vì lẽ đó, mọi video được xem như "bằng chứng" cho bất kỳ sự kiện nào trên internet cũng cần được cân nhắc kỹ càng trước khi có các nguồn xác thực uy tín.

AI tạo ảnh

Các công cụ AI có khả năng "sáng tác" ra những bức ảnh đã gây tranh cãi trong cộng đồng nghệ sĩ thời gian qua. Trí tuệ nhân tạo làm dấy lên lo ngại sẽ thay thế những họa sĩ hay người hoạt động nghệ thuật.

Một sản phẩm của AI cho thấy khả năng phi thường của công cụ trong việc sáng tạo nội dung

chụp màn hình

Những hệ thống "sáng tác" tranh ảnh bằng AI có thể tạo ra các sản phẩm số trông siêu thực chỉ bằng nội dung chữ được nhập vào ô yêu cầu. Hoặc khi xóa bớt một phần bức tranh gốc, AI có thể tái tạo lại chỗ đã mất theo yêu cầu của chủ nhân. Từ đó xảy ra khả năng tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung gốc, ví dụ thay món đồ chơi trên tay một người thành khẩu súng hay công cụ gây án, tạo ra những bức ảnh ngụy tạo nhằm gây bê bối cho người nổi tiếng... Thậm chí, AI còn tạo ra được khuôn mặt y như thật của những người không hề tồn tại.

AI tạo video

Có thể nói công cụ AI tạo video và deepfakes chỉ là khởi đầu cho những mối nguy về thông tin thất thiệt xuất hiện trên internet. Meta (công ty mẹ của Facebook) đã trình diễn công cụ AI tạo video và dù chỉ kéo dài vài giây, người ta có quyền tin rằng những clip tương tự có thời lượng dài hơn và lượng người dùng kiểm soát các nội dung này sẽ tăng theo cấp số nhân.

Giờ đây, con người có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để dựng nên clip nhiễu hạt (không quá sắc nét) của sinh vật bí ẩn như Bigfoot, quái vật hồ Loch Ness... mà không cần tới diễn viên mặc trang phục... Từ trước khi có AI, video đã dễ bị làm giả nên giờ đây, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, tốt nhất không nên tin ngay vào những gì xem được trên internet.

AI Chat Bot

Chat Bot (công cụ tán gẫu) phổ biến tới mức người dùng có thể không nhận ra: khi bạn trò chuyện với bộ phận chăm sóc khách hàng qua công cụ Chat, đa phần trường hợp trả lời là Chat Bot, không phải người thật. Giờ đây, AI cũng như các phương pháp lập trình truyền thống đã cấp tiến tới mức tạo ra Chat Bot có thể tham gia một cuộc trò chuyện hoàn toàn tự nhiên, đặc biệt trong những lĩnh vực cụ thể như trao đổi về bảo hành sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật cơ bản...

Hệ thống nhận dạng và tổng hợp giọng nói cũng rất phát triển và nếu từng xem qua màn giới thiệu hệ thống AI có tên Duplex của Google, người dùng chắc chắn sẽ hiểu con người đã tiến bộ tới nhường nào trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Khi các chương trình tự động có trang bị AI được tung lên nền tảng mạng xã hội cũng là lúc nguy cơ xuất hiện những chiến dịch tung tin thất thiệt gây hậu quả ở thế giới thực tăng cao hơn.

AI viết nội dung

Tin thất thiệt có thể tràn lan trên mạng nếu không kiểm soát được AI

chụp màn hình

Internet chứa đựng rất nhiều thông tin khác nhau, trong đó có nội dung để đọc và học, tham khảo về những chuyển động của thế giới chứ không riêng hình ảnh hay video. Ở môi trường đó, những người viết nội dung trở thành nguồn chính để cung cấp thông tin nhưng hiện nay, AI đã tiệm cận khả năng cung cấp sản phẩm có chất lượng tương đương.

Giống như trường hợp AI "nghệ sĩ", người ta tranh cãi về khả năng bị thay thế bởi công nghệ AI "viết lách" mà bỏ qua khía cạnh cung cấp thông tin sai lệch. Những website gắn mác "tin tức" không chính thống tràn lan trên mạng internet là nguồn cơn của không ít hiểu lầm, tri thức sai lệch hiện nay và chắc chắn trí tuệ nhân tạo khi "sổ lồng" sẽ làm hiện trạng này phức tạp thêm rất nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.