5 điều người học cần chuẩn bị cho năm mới 2023 để đạt đến thành công

31/12/2022 18:30 GMT+7

Để có một khởi đầu thuận lợi và thành công trong năm mới 2023, đâu là những điều người học cần chuẩn bị vào lúc này?

Trước thềm năm mới 2023, bạn không bắt buộc phải đưa ra quyết tâm mới hay thay đổi toàn bộ lối sống của mình. Dưới đây là 5 lời khuyên từ các chuyên gia và tạp chí Times Higher Education giúp bạn sẵn sàng chào đón năm 2023 sắp khởi đầu.

Đâu là những điều người học cần chuẩn bị trong năm mới?

freepik

1. Nhìn lại năm cũ, thiết kế năm mới

Theo Times Higher Education, ngày cuối năm là thời điểm phù hợp để nhìn lại những điểm sáng và tìm ra các mặt hạn chế có thể cải thiện trong năm vừa qua. Hãy duy trì những thói quen tác động tích cực đến bạn, và suy ngẫm lý do xảy ra những điều tiêu cực để tìm cách cải thiện chúng trong năm tới.

Bên cạnh đó, bạn nên cân đối thời khóa biểu giữa lịch học, những ngày quan trọng và cả thời gian để bản thân nghỉ ngơi. Khi thiết kế mục tiêu học tập mới, bạn có thể áp dụng các tiêu chí trong mô hình SMART để thấy được những định hướng rõ ràng. SMART là cụm từ viết tắt của những từ tiếng Anh: Specific (cụ thể), Measurable (có thể đánh giá được), Achievable (có thể đạt được), Relevant (phù hợp) và Time-bound (có cột mốc thời gian cụ thể).

Một trong những cách lên kế hoạch năm mới hiệu quả là sử dụng mô hình SMART

freepik

2. Có phương pháp học hiệu quả

Chia sẻ cách xây dựng phương pháp học tập trong năm 2023, thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa giáo dục ĐH Durham (Anh), đưa ra 2 lời khuyên cho người học. Thứ nhất là tạo động lực học tập bằng cách tự hỏi “Mình học điều này để làm gì?”, đồng thời lồng ghép việc học vào những thói quen, sở thích và duy trì chúng. “Động lực phải đến từ bên ngoài lẫn bên trong”, anh Vũ nhấn mạnh.

Điều thứ hai, theo chuyên gia giáo dục, là bạn sẽ rất khó áp dụng thành công những kinh nghiệm của thủ khoa, thần đồng vào việc học của mình vì mỗi người có bí quyết, phương pháp khác nhau. Do đó, “chỉ có thể tham khảo kinh nghiệm học tập, chứ không thể áp dụng hoàn toàn”, anh Vũ nhận định.

Người học cần tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân

freepik

Vì thế, thạc sĩ Vũ khuyên người học nên tìm ra phương pháp học tập có tác dụng với chính mình. “Quy trình là tìm hiểu bản thân, sau đó tham khảo người khác, rồi chọn lọc và áp dụng phù hợp. Có thể bạn sẽ phải lặp đi lặp lại quá trình này nhiều lần cho đến khi tìm được cách học đúng với mình nhất”, thạc sĩ Vũ đúc kết.

3. Tìm kiếm cơ hội mới

Trả lời tạp chí Times Higher Education, tiến sĩ John S. Tregoning tại ĐH Imperial College London (Anh), cho rằng thương hiệu cá nhân là điều mà mỗi cá nhân cần xây dựng để phát triển sự nghiệp, nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu.

Đồng quan điểm trên, Đặng Ngọc Minh Thư, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM năm 2022-đang học thạc sĩ ngành công nghệ truyền thông kỹ thuật số tại bang Texas (Mỹ), khẳng định một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để giới thiệu bản thân là điều không thể thiếu để tìm kiếm những cơ hội học bổng và việc làm.

Để tìm kiếm những cơ hội học bổng và làm việc, thủ khoa Đặng Ngọc Minh Thư cho rằng cần xây dựng hồ sơ giới thiệu về bản thân

freepik

Lưu ý về hồ sơ giới thiệu bản thân, sản phẩm có thể sử dụng để nắm bắt nhiều cơ hội khác nhau cho việc làm hay du học, Thư cho rằng có 3 yếu tố cần quan tâm là bảng điểm, thành tích và hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, việc nghiêm túc xây dựng hồ sơ cá nhân cũng giúp người học sớm “nối duyên” với cơ hội nghề nghiệp, chẳng hạn như được thầy cô tạo cơ hội việc làm tại các công ty, nữ thủ khoa nhận định.

4. "Dọn dẹp" cuộc sống

Những ngày nghỉ sắp tới cũng là dịp hoàn hảo để bạn đánh giá lại không gian sống của mình và xem xét liệu có cách nào dọn dẹp phòng ốc ngăn nắp hơn không, theo Times Higher Education. Bên cạnh đó, hãy “xử lý” cả không gian trên máy tính và mạng xã hội bằng cách sắp xếp chúng hợp lý và có tổ chức, đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho lớp học vào năm sau.

Dọn dẹp lại không gian cả thật và ảo là một cách để chuẩn bị cho năm mới

freepik

Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc “dọn dẹp” các mối quan hệ xã hội độc hại. Theo kết quả theo dõi hơn 10.000 người trong hơn 12 năm từ nhóm nghiên cứu của ĐH University College London (Anh), những người đang ở trong một mối quan hệ độc hại có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn, bao gồm tử vong do đau tim và đột quỵ, so với những cá nhân có mối quan hệ lành mạnh.

Do đó, các chuyên gia cho rằng nếu phát hiện đang ở trong mối quan hệ độc hại, bạn cần dành thời gian trò chuyện để nói ra điều mình không thích và tìm cách gỡ nút thắt, "để bắt đầu năm mới bằng nguồn năng lượng tích cực nhất”.

5. Đối diện với stress

“Năm 2023, có thể tránh được stress không?” là câu hỏi hàng đầu của nhiều người học trước thềm năm mới. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đáp án là “không bao giờ”. “Bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể khiến chúng ta bị stress. Nhưng stress không xấu nếu nó nằm trong một lượng nhất định. Lúc này nó chính là điểm mạnh, là động lực học tập và làm việc”, thạc sĩ Vui lý giải.

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui, nếu stress được duy trì ở một lượng nhất định sẽ tạo động lực cho mình

freepik

Tuy nhiên, để tránh việc stress quá độ và dai dẳng, từ đó chuyển thành stress bệnh lý gây hại cho bản thân, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm, người học có thể tham khảo mẹo từ chuyên gia tâm lý. “Những vấn đề, sự kiện khiến bạn khổ tâm, buộc phải né tránh chính là các dấu hiệu nguy hiểm dễ khiến bạn bị stress và trầm cảm. Trong năm 2023, bạn nên thận trọng đối diện với những ‘nút thắt’ bên trong mình và gỡ rối nó bằng những giải pháp phù hợp”, thạc sĩ Vui đưa ra lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.