Thủ khoa điểm trung bình tuyệt đối muốn sản xuất chương trình thực tế về thú cưng

30/08/2022 08:30 GMT+7

Đạt điểm tốt nghiệp 4.0 cao nhất trong lịch sử thành lập trường ĐH, Đặng Ngọc Minh Thư (23 tuổi) mong ứng dụng những gì đã học để sản xuất chương trình thực tế về cứu hộ, trị liệu tâm lý cho thú cưng.

Tân thủ khoa Đặng Ngọc Minh Thư (23 tuổi) của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM

NVCC

“Gap year” để được “thở”

Minh Thư (23 tuổi) tốt nghiệp ngành quan hệ công chúng, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM trong tháng 8. Là thủ khoa đầu vào và duy trì thành công học bổng tuyển sinh 100% suốt 4 năm, nữ sinh viên tiếp tục chinh phục danh hiệu thủ khoa đầu ra với điểm trung bình học thuật (GPA) 4.0/4.0, cao nhất trong lịch sử thành lập trường.

Đứng phát biểu trước hàng trăm tân cử nhân, Thư không kìm được xúc động: “Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau hạnh phúc ngập tràn khi được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Nhiều người xem đó là sự kết thúc cho một chặng đường học vấn. Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng: Hành trình của chúng ta mới chỉ bắt đầu”.

Từ thời trung học, Thư đã yêu thích đọc sách và mong được bay bổng với văn chương. Đó là lý do trước khi trở thành nữ sinh lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), cô từng đạt hai giải nhì kỳ thi học sinh (HS) giỏi văn cấp tỉnh năm 2014 và 2015.

Dưới mái trường THPT, Thư tiếp tục đạt nhiều giải văn như huy chương vàng Olympic 30/4, huy chương bạc Olympic Trại hè phương Nam 2015 cùng giải nhì kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, giải ba kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia 2017. Ở tuổi 18, cô cũng là tác giả bài viết được in trong quyển sách Những bài văn nghị luận xã hội chọn lọc.

Nhờ kết quả học tập ấn tượng, nữ sinh được tuyển thẳng vào ngành báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. “Tuy nhiên, mọi thứ cứ vồ vập ập đến khiến tôi không kịp định hình lại bản thân hay tìm hiểu kỹ về ngành. Sau khi học xong một kỳ, tôi dần thấy mệt mỏi, không còn cảm hứng”, nữ sinh viên chia sẻ.

Vì thế, Thư đấu tranh với gia đình để “gap year” (tạm nghỉ) nửa năm để bản thân có không gian được “thở”. Thư dừng việc học ở trường ĐH, ôn thi lại và trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bằng cả hai phương thức xét điểm cùng tuyển thẳng. Tuy nhiên, khi nhận ra bản thân vẫn mê làm báo, nữ sinh “rẽ hướng” chọn chuyên ngành truyền thông báo chí với quyết tâm trở thành biên tập viên truyền hình.

Tân thủ khoa Minh Thư trao vòng nguyệt quế cho mẹ, người luôn đồng hành, truyền cảm hứng và cho nữ sinh lời khuyên ở những giai đoạn khó khăn, trong ngày tốt nghiệp tổ chức chiều 28.8

NVCC

Chơi hết sức, học hết mình, đặt mục tiêu nhỏ, ngắn hạn

Thời gian đầu, Thư chú trọng việc hòa nhập với môi trường mới. Sau đó, nữ sinh tự đặt ra những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn để chinh phục như mỗi năm phải tham gia ít nhất một cuộc thi, hay thử thách bản thân ở lĩnh vực mới. Đó là nguồn động lực giúp tân thủ khoa luôn cố gắng mỗi ngày, đạt được nhiều giải thưởng như á quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC, á quân cuộc thi Sinh viên biện luận, sinh viên 5 tốt cấp trường...

Minh Thư (hình nhỏ, thứ nhất từ trái qua) tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và giáo dục lần thứ II (ICCE 2021) với đề tài “Service-Learning: A Pedagogical Model for Community Development, Case Study in UEF”

NVCC

Bên cạnh đó, hành trình học thuật của Thư cũng được “nâng cấp” với hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), nơi nhóm nghiên cứu của nữ sinh cùng bạn lần lượt đạt các giải nhì, ba, khuyến khích tại cuộc thi Sinh viên NCKH cấp trường, cấp Bộ và Euréka năm học 2019-2020; giải nhất, khuyến khích tại cuộc thi Sinh viên NCKH cấp trường và Euréka năm học 2020-2021.

Minh Thư (bên trái) chụp cùng PGS-TS Hoàng Thị Hồng Hà, người thầy đồng hành cùng nữ sinh ở hành trình NCKH

NVCC

Hai đề tài của nhóm, “Thế hệ Z và xu hướng cá nhân hóa: Nghiên cứu qua hành vi sử dụng ứng dụng Tiktok” và “Kết hợp Service-Learning và truyền thông xã hội phát triển khả năng đồng cảm của trẻ em” cũng được đăng trên tạp chí, kỷ yếu khoa học và trình bày ở các hội thảo trong nước, quốc tế, nhận bằng khen của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam.

Khi được hỏi vì sao chọn NCKH trên hành trình trở thành biên tập viên, nữ sinh bộc bạch: “Tôi đã ao ước được nghiên cứu từ cấp 3 nhưng vì không có cơ hội dành cho ban xã hội nên đành tạm gác lại. Đến hè năm nhất, tôi bắt đầu đi tìm đề tài và chính thức thực hiện khi hoàn thành học phần NCKH ở năm 2. Tôi tin nghiên cứu là nền tảng để phát triển bất kỳ lĩnh vực nào”.

Dù sở hữu “bảng vàng” thành tích, cô nàng thủ khoa không áp dụng một phương pháp cụ thể mà sống theo phương châm “chơi hết sức, học hết mình”. “Tôi tập trung 100% năng lực trong từng dự án và tích cực tham gia tương tác với giảng viên để giành nhiều điểm cộng nhất có thể. Nếu chỉ xuất hiện 1% yếu tố may mắn, tôi đều gắng sức bắt lấy nó trong lòng bàn tay”, tân thủ khoa thú nhận.

Minh Thư (áo đen, thứ hai từ phải qua) trong chuyến đi đến ĐH Bang Arizona (Mỹ) để tham gia khóa học quốc tế về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc

NVCC

Đến năm 4, nữ sinh đã bước đầu hiện thực hóa ước mơ khi cộng tác tại Ban chuyên đề-Đài Truyền hình TP.HCM với vai trò biên tập viên. Cô cũng là một trong ba sinh viên nhận học bổng tham gia khóa học quốc tế tại ĐH Bang Arizona (Mỹ). Trước đó, Thư cũng từng giành học bổng 100% chương trình trao đổi sinh viên tại trường ĐH Woosong (Hàn Quốc) ngành Art & communications (nghệ thuật và truyền thông).

Giảng dạy Minh Thư từ năm nhất ĐH, PGS-TS Hoàng Thị Hồng Hà, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, lập tức ấn tượng với cô sinh viên “đặc biệt” luôn chăm chú nghe giảng trong giờ học, chỉ phát biểu sau khi suy nghĩ thấu đáo và diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, sắc sảo.

“Thư là số ít sinh viên rất chịu đọc sách, có khả năng tiếp cận tốt với tài liệu, biết ghi chép, đánh giá thông tin và kết quả rút ra từ việc đọc thường rất đáng lưu ý. Nữ sinh cũng chăm nghiên cứu thực chứng như khảo sát thực tế, tiếp cận đối tượng và phỏng vấn chuyên gia. Nếu nói nghiên cứu phải song hành giữa lý thuyết với thực tế thì Thư có cả hai tố chất này”, PGS-TS Hà khẳng định.

Hành trình cử nhân tuy đã khép lại, nhưng Thư vẫn nuôi nhiều hoài bão với ước mơ học thuật. Sau chuyến đi ngắn hạn tại Mỹ, nữ sinh nhận ra mình muốn phát triển hơn nữa ở lĩnh vực báo chí truyền thông và bắt đầu tìm kiếm học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở Mỹ, Hàn Quốc. “Tôi muốn sản xuất một chương trình thực tế về cứu hộ, trị liệu tâm lý cho thú cưng đầu tiên tại Việt Nam”, tân thủ khoa hào hứng chia sẻ về những mục tiêu tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.