5 dự án cao tốc trọng điểm: Phải giám sát chặt để tránh sai sót

07/06/2022 06:34 GMT+7

5 dự án cao tốc trọng điểm mà Chính phủ vừa trình Quốc hội (QH) đều xin nhiều cơ chế đặc thù áp dụng các chính sách khác luật.

Các dự án gồm: dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM và 3 cao tốc trọng điểm phía nam (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu).

Liên quan vấn đề trên, các đại biểu (ĐB) QH đề nghị cần phải giám sát chặt để tránh sai sót, mất cán bộ sau khi thực hiện các dự án. ĐB Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho rằng với những cơ chế đặc thù mà các dự án cao tốc trọng điểm Chính phủ vừa trình, cần phải kiểm tra giám sát thật chặt, “tránh trục trặc” khi triển khai.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cũng băn khoăn khi các dự án thời gian qua đều áp dụng cơ chế đặc thù và có xu hướng mở rộng hơn. Trong điều kiện phục hồi kinh tế và thúc đẩy hoàn thành các cao tốc, việc áp dụng cơ chế đặc thù là cần thiết, song việc áp dụng các cơ chế đặc thù cũng cần có tổng kết, đánh giá. “Bên cạnh đó, khi áp dụng chính sách đặc thù thì phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo sau khi hoàn thành dự án cơ chế được áp dụng đúng, chính xác, tránh sai sót xảy ra”, ĐB Tú nêu.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận: “Tình thế đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt”. Chủ tịch QH cho biết cả 5 dự án đều “xin” rất nhiều cơ chế đặc thù, khác với các luật hiện hành như luật Ngân sách, luật Giao thông đường bộ, luật Đầu tư theo đối tác công tư, luật Xây dựng… Chẳng hạn, việc sử dụng nguồn vốn hỗn hợp cả T.Ư và địa phương là không đúng với luật Ngân sách vì luật này không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Trong khi đó, theo quy định thì cao tốc phải do ngân sách T.Ư đầu tư chứ không phải địa phương. Hay như cơ chế chỉ định thầu là khác với luật Đấu thầu vì theo luật này là phải thực hiện đấu thầu.

Từ đó, Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh: “Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm người đứng đầu”. Chủ tịch QH lưu ý cần phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu xảy ra. “Trao quyền nhiều phải cá thể hóa trách nhiệm. Người nào quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ định thầu anh mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn, người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch QH nói.

ĐB Nguyễn Danh Tú nêu vấn đề cả 5 dự án đều áp dụng hình thức đầu tư công (ngoại trừ một dự án thành phần của vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư). Tờ trình của Chính phủ giải thích nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP thì “có hàng loạt vướng mắc, không đảm bảo sự thành công của dự án”. Theo ĐB Tú, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP) mới ban hành năm 2020 với mục tiêu thu hút vốn đầu tư xã hội vào các dự án phát triển, nhưng tới nay đã có hàng loạt vướng mắc thì đề nghị cần phải xem xét có sửa luật PPP hay không và sửa như thế nào.

Chủ tịch QH cũng lưu ý luật PPP được ban hành với mục tiêu để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân nhưng sau khi ban hành thì hàng loạt dự án chuyển hết sang đầu tư công. Việc huy động vốn xã hội rất khó khăn. “Đó là vấn đề cần phải đánh giá một cách căn cơ”, Chủ tịch QH nói và cho rằng cần phải xem xây dựng thị trường vốn dài hạn, vì hiện nay, hầu hết các nước đều sử dụng hình thức đầu tư BOT, PPP cho các dự án kết nối hạ tầng. “Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta lại đang có gói kích thích kinh tế nên các dự án này có thể sử dụng vốn đầu tư công nhưng về lâu dài phải sử dụng nguồn vốn xã hội cho các dự án hạ tầng”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.