Giảng dạy có thể là một sự nghiệp vô cùng bổ ích và hấp dẫn, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người.
Hướng dẫn viên bảo tàng cũng là nghề phù hợp với giáo viên - Ảnh: Huỳnh Mai |
Số lượng giáo viên ngưng công việc giảng dạy do áp lực công việc và mức lương chưa tương xứng đang ngày càng tăng trong suốt 6 năm qua, theo thống kê trên The Guardian.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm một công việc vừa thay thế cho nghề dạy học tại trường, vừa có thể tận dụng tốt nhất các kỹ năng sẵn có và giúp giáo viên giữ đúng giá trị cá nhân của mình không phải là không có khả năng. Vì ngoài những kiến thức về giảng dạy để giúp học sinh, sinh viên phát triển, các giáo viên còn có những kỹ năng tuyệt vời phù hợp với yêu cầu đòi hòi của thị trường như: kỹ năng thuyết trình, khả năng sáng tạo, tư duy logic, lập luận cao, nhiều kinh nghiệm thực tế trong giải quyết tình huống khó khăn về mặt con người. Hơn nữa, họ cũng có thể phát triển trong các lĩnh vực thương mại mà giáo dục đang đóng vai trò quan trọng và là một tài sản lớn.
Vì vậy, nếu bạn đang suy nghĩ về cuộc sống ngoài việc giảng dạy, thì một vài nghề nghiệp thay thế dưới đây sẽ có thể là những gợi ý đáng quan tâm.
1. Hướng dẫn viên trong các viện bảo tàng
Ngành du lịch ngày càng phát triển, vì thế các địa điểm tham quan như viện bảo tàng cũng thu hút sự quan tâm của du khách. Nếu đã từng tham quan các viện bảo tàng, bạn có thể sẽ thấy có rất nhiều những nỗ lực đang được tạo ra để tăng sự tương tác cũng như truyền đạt những kiến thức khoa học, lịch sử ý nghĩa cho khách ghé thăm.
Vì vậy, đối với các giáo viên, đặc biệt là cựu giáo viên, đã có kinh nghiệm, khả năng trong việc truyền đạt kiến thức, sáng tạo ra mội trường học tập, tương tác thì công việc này có thể sẽ là một sự thay thế phù hợp. Giáo viên cũng có thể liên lạc với trường mình đã từng công tác để khuyến khích, sắp xếp các chuyến tham quan cho học sinh, sinh viên cũ và đóng góp trong việc phát triển tài liệu giảng dạy.
2. Vai trò liên lạc viên giáo dục
Nếu vẫn còn đam mê với môi trường làm việc tại trường học, bạn có thể tham gia một vai trò khác, đằng sau bục giảng như tham gia vào công tác tuyển dụng, tư vấn tuyển sinh, đào tạo các giáo viên mới, làm tại các bộ phận quản lý trong trường hoặc tổ chức vị trí giảng dạy, liên lạc giữa nhà trường với các tổ chức, công ty đối tác khác ở bên ngoài.
Kiến thức nền tảng về giáo dục sẽ là tài sản đáng giá trong việc trợ giúp, khuyến khích những người mới vào nghề, học sinh, sinh viên trong việc phát triển con đường sự nghiệp chuyên môn sau này.
3. Làm việc tại công ty chuyên cung cấp các dịch vụ, giải pháp giáo dục
Hiện nay có rất nhiều công ty, nhà đầu tư nhìn thấy sự phát triển tiềm năng trong ngành giáo dục. Đó có thể là những công ty chuyên về phần mềm giáo dục, nguồn chương trình và nhân lực giảng dạy, hoặc sản xuất, cung cấp các thiết bị, dụng cụ học đường… Là một nhà giáo dục, bạn hoàn toàn có thể tạo thêm giá trị cho bản thân cũng như các công ty, tổ chức với vai trò là người tư vấn, tiếp thị, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới đúng với nhu cầu thực tế.
Để làm được việc này cũng đòi hỏi giáo viên phải học bổ trợ một số khóa học về kinh doanh. Nhưng việc có nhân sự đã từng làm trong ngành giáo dục sẽ là một lợi thế mà bất cứ công ty, dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục nào cũng cần có.
4. Mở cơ sở dạy kèm
Nếu việc dạy học là niềm yêu thích và lựa chọn nghề nghiệp duy nhất, nhưng môi trường giảng dạy tại trường học chính quy không đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của bạn thì bạn có thể xem xét việc thành lập cơ sở dạy kèm tại nhà, thậm chí dạy online…nơi bạn có thể tự do quản lý, điều hành mội trường hoạt động độc lập của riêng mình.
5. Làm trong bộ phận đào tạo của doanh nghiệp
Sự hiểu biết của bạn trong việc giáo dục con người có thể được sử dụng hiệu quả trong mội trường doanh nghiệp như các bộ phận huấn luyện, tư vấn, đánh giá khả năng nhân sự, lên danh sách, lập kế hoạch cho các khóa học cụ thể mà công ty cần đào tạo.
Bình luận (0)