5 'siêu phẩm' từ trái thanh trà

22/04/2022 07:35 GMT+7

Mong góp phần giải quyết vấn đề chế biến và bảo quản trái thanh trà sau thu hoạch, nhóm sinh viên Cần Thơ đã nghiên cứu làm ra 5 dòng sản phẩm.

Cây thanh trà có xuất xứ từ vùng Bảy Núi (An Giang). Trước đây, loại cây này thường mọc dại ven đường, sau đó được người dân trồng phổ biến ở Vĩnh Long. Tuy được xem là loại trái cây đặc sản, nhưng thanh trà chủ yếu chỉ bán tươi, chưa có sản phẩm được chế biến mang thương hiệu trên ra thị trường.

Dự án nghiên cứu sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm từ trái thanh trà được nhóm 3 sinh viên ngành kinh tế Trường đại học FPT Cần Thơ triển khai, trong đó Nguyễn Thị Loan Anh làm trưởng nhóm.

Loan Anh cho biết đây là dự án tiên phong trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ trái thanh trà vùng ĐBSCL. Nguồn cung cấp nguyên liệu để chế biến sản phẩm được mua từ các vườn lâu năm ở TX.Bình Minh (Vĩnh Long) với sản lượng và chất lượng đạt chuẩn.

Nhóm sinh viên với dự án đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh trà

DUY TÂN

“Trái thanh trà trồng ở mảnh đất này có độ vàng bóng, cơm mềm và mọng nước hơn so với vùng trồng khác. Điều này đã làm cho các sản phẩm trở nên đặc biệt và khó quên đối với khách hàng khi sử dụng sản phẩm”.

Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, nhóm đã nghiên cứu ra 5 dòng sản phẩm gồm: mứt, siro, sinh tố, kẹo, bột hòa tan. Những sản phẩm này mang hương vị độc đáo từ trái thanh trà cùng giá trị dinh dưỡng cao.

Để tạo ra sản phẩm, nhóm còn liên kết sản xuất với Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) tại Cần Thơ. Đây là cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về các quy trình sản xuất và hỗ trợ máy móc để sản xuất.

Theo Loan Anh, do thanh trà chỉ cho trái 1 vụ trong năm nên nhóm gặp khó khăn nếu bắt đầu thương mại bán sản phẩm ra thị trường và mở rộng sản xuất. “Thanh trà chỉ cho trái 1 vụ trong năm. Do đó, không thể đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. Sau này, nếu thương mại hóa và mở rộng quy mô sản xuất sẽ rất khó”, Loan Anh cho biết.

Để khắc phục, nhóm đã nghiên cứu trồng thanh trà trái vụ và nghiên cứu tạo ra sản phẩm khác từ các loại nông sản…

Giảng viên Ngô Thị Thúy An, Trường ĐH FPT, đánh giá: “Mô hình này rất khả thi bởi có thể tạo ra nhiều sản phẩm, giải quyết được vấn đề chế biến và bảo quản trái thanh trà sau thu hoạch. Ngoài ra, tận dụng được nguồn nông sản sạch địa phương”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.