5 thị trường chứng khoán mạnh nhất thế giới năm 2017

28/12/2017 17:56 GMT+7

Mỹ vẫn duy trì được vị thế thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới trong năm 2017. Tuy nhiên, năm nay cũng là một năm đầy bất ngờ với sự nổi lên của những cái tên ít được chú ý.

Theo S&P Dow Jones Indices, giá trị của các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng lên 12.400 tỉ USD trong năm nay. Các cổ phiếu của Mỹ dẫn đầu cuộc đua với những kỷ lục mới được thiết lập. Song, có một số thị trường thậm chí đã hoạt động còn tốt hơn mức kỳ vọng.
Dưới đây là những thị trường chứng khoán mạnh nhất thế giới năm 2017, theo tổng hợp từ CNN.
Mỹ
Các cổ phiếu của Mỹ luôn ở vị trí trung tâm trong năm nay vì các nhà đầu tư đã đặt cược vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thu nhập doanh nghiệp vững chắc và kế hoạch cải cách kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump cũng đóng vai trò thúc đẩy thị trường với chính sách giảm thuế lớn cho doanh nghiệp. Những chỉ số quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung đều cho thấy mức tăng trong năm 2017. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 25%, chỉ số S&P 500 tăng 20% và chỉ số Nasdaq tăng 29%.
Argentina
Chỉ số Merval của Argentina đã tăng lên tới 73% trong năm nay và đạt mức cao kỷ lục ngay sau ngày lễ Giáng sinh. Thực tế, nền kinh tế và thị trường chứng khoán của quốc gia Nam Mỹ này đã chứng kiến một bước ngoặt quan trọng khi cuộc bầu cử tổng thống giúp ông Mauricio Macri giành chiến thắng diễn ra vào cuối năm 2015. Đến năm 2016, chỉ số Merval đã tăng 45%.
Ông Macri đã theo đuổi một số cải cách kinh tế trong năm nay, giúp tăng thêm sự tự tin trong kinh doanh cho người dân Argentina. “Tổng thống Macri đã kiểm soát rủi ro chính trị rất tốt trong năm 2017. Argentina thực sự nổi lên như một trong những thiên đường an toàn chính trị ở khu vực Mỹ Latin không chỉ trong năm nay mà còn trong năm tới”, hãng quản lý tài sản Algebris Investments nhận định.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà Argentina cần phải đối mặt và giải quyết. Cụ thể, lạm phát tại đây đã trên 20% và nội tệ vẫn trên đà tiếp tục suy yếu.
Nigeria
Mặc dù chỉ số All - Share Nigeria vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục được thiết lập vào đầu năm 2008, nhưng mức tăng 43% trong năm 2017 vẫn là con số tích cực. Chỉ số này đã giảm mạnh trong năm 2015 và 2016 do giá dầu thấp, cộng với các cuộc tấn công của quân đội, các rắc rối về tiền tệ, những vấn đề chính trị xung quanh cuộc bầu cử và dịch bệnh Ebola hoành hành đã gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến năm 2017 giá dầu đã tăng cao hơn, ngân hàng trung ương Nigeria đã có một số thay đổi giúp việc trao đổi tiền tệ trở nên dễ dàng hơn, góp phần giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Nhiều nhà phân tích lạc quan rằng cổ phiếu của Nigeria có thể tiếp tục tăng vào năm 2018.
Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc đảo chính năm 2016 và một loạt vụ tấn công khủng bố đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu. Nhưng qua đến năm nay, khi chính phủ thực hiện cắt giảm thuế tạm thời và khuyến khích ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn, chỉ số chuẩn của nước này đã tăng 43%. Tăng trưởng GDP cũng tăng đạt mức 11,1% trong quý 3/2017.
Neil Shearing, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết hiệu suất thị trường chứng khoán đã được nâng đỡ khi nội tệ lira điêu đứng. Song, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng thời điểm tốt có thể sẽ không kéo dài mãi.
Hồng Kông
Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông tăng gần 35% trong năm 2017, trong khi đó chỉ số chứng khoán của Đại lục tại Thượng Hải và Thâm Quyến lại cho thấy sự lúng túng. Theo ông Dickie Wong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Kingston Financial Group, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch nói trên là do Tencent. Cổ phiếu của hãng công nghệ khổng lồ này được niêm yết ở Hồng Kông, thay vì tại Trung Quốc, đã tăng gấp đôi trong năm qua và định giá của Tencent đã vượt qua cả Facebook.
Trong khi hầu hết các thị trường chứng khoán lớn đều có mức tăng đáng kể, thì Qatar lại là cái tên nằm ngoài danh sách. Thị trường chứng khoán của quốc gia vùng Vịnh đã giảm 19% trong bối cảnh nước này vướng phải mâu thuẫn với Ả Rập Xê Út, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Cuộc khủng hoảng ngoại giao diễn ra hồi tháng 6.2017 thực sự là một bất ngờ lớn cho khu vực. Các nước láng giềng cáo buộc Qatar đã ủng hộ các tổ chức khủng bố, đe dọa đến an ninh. Cho đến nay, những nỗ lực để khôi phục mối quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước Ả Rập vẫn chưa thành công. Tuy nhiên, Qatar đã nỗ lực tìm ra các chiến lược giải quyết vấn đề và tạo dựng thêm nhiều tuyến thương mại mới để bảo đảm nền kinh tế không bị tổn thương nặng nề.
“Hiện những xáo trộn kinh tế ban đầu đã dần biến mất. Cuộc khủng hoảng này có lẽ sẽ không được giải quyết nhanh chóng, nhưng dường như nó cũng không gây tổn thương quá lớn cho nền kinh tế của Qatar”, ông Shearing nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.