5 VĐV bị nghi dùng doping: Nỗi đau của điền kinh Việt Nam

14/10/2022 08:42 GMT+7

Giành kết quả đặc biệt xuất sắc tại SEA Games 31 và phá một số kỷ lục đại hội, nhưng đáng buồn là đội tuyển điền kinh Việt Nam còn tạo “kỷ lục” khác không ai mong muốn, đó là có tới 5 VĐV bị nghi dùng doping.

Nguy cơ bị tước nhiều huy chương

Thể thao Việt Nam từng xảy ra những sự cố nghiêm trọng liên quan doping, trong đó để lại nhiều tai tiếng chính là tại SEA Games 22 khi chúng ta cũng là quốc gia đăng cai mà có tới 4 VĐV nước chủ nhà bị phát hiện đã dùng chất cấm; gồm 1 VĐV môn đua thuyền canoeing, 2 VĐV lặn và 1 VĐV điền kinh.

Một lần nữa, cú sốc doping lại khiến thể thao Việt Nam chao đảo dù đến thời điểm này mới chỉ có kết quả xét nghiệm dương tính với mẫu A của các VĐV tại SEA Games 31. Song nếu như mẫu B cũng cho kết quả tương tự thì số lượng 5 VĐV dùng chất cấm quả thực là gây choáng váng. Và choáng váng hơn khi số VĐV này chỉ tập trung vào 1 đội tuyển mà theo nguồn tin của Thanh Niên, kết quả ban đầu cho thấy các VĐV này cùng có một loại chất cấm, có thể có trong một loại thực phẩm chức năng.

Các VĐV điền kinh thi đấu thử trước khi SEA Games 31 khởi tranh

HOÀNG QUÂN

Một tuyển thủ đội điền kinh chia sẻ, kể từ khi 2 VĐV nữ bị phát hiện dương tính với mẫu A doping cách đây 1 tháng, không khí đội trầm hẳn xuống và 2 VĐV này đã khóc rất nhiều dù ngành thể thao chưa tuyên bố rộng rãi. Khi thông tin có thêm 3 VĐV khác (danh tính chưa công bố), ai nấy càng bị sốc. Phải đến tháng 11.2022, phòng xét nghiệm tại Thái Lan mới tiến hành thử mẫu B và trả kết quả sau khoảng 10 ngày. Tùy thuộc vào kết quả, các VĐV mới biết mình có phải tham gia các cuộc điều trần do Hội đồng thẩm định doping của Ban tổ chức SEA Games 31 tiến hành hay không.

Điều đáng lưu ý, trong số 22 huy chương vàng (HCV), 14 huy chương bạc (HCB) và 8 huy chương đồng (HCĐ) mà điền kinh Việt Nam giành được tại SEA Games 31, 5 VĐV đang bị nghi ngờ nói trên đã đóng góp 3 HCV nội dung cá nhân, 2 HCB nội dung cá nhân, 1 HCĐ nội dung cá nhân; 2 HCV nội dung tiếp sức, 1 HCB nội dung tiếp sức.

Nếu bị xác định là đã dùng doping thì toàn bộ kết quả của 5 VĐV này sẽ bị hủy bỏ (tước huy chương), các VĐV kế sau sẽ được đôn lên. Đau lòng là trong nhóm tiếp sức giành huy chương, đến thời điểm này có VĐV được kết luận âm tính với mẫu A (không dùng doping) nhưng vì đồng đội nếu bị dương tính với xét nghiệm mẫu B doping thì thành tích của cả nhóm cũng sẽ không được công nhận.

Trước mắt, cả 5 VĐV bị nghi ngờ nói trên sẽ không được các địa phương cho đăng ký thi đấu tại Đại hội TDTT cấp cơ sở và có thể sẽ cả tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022 vào cuối năm nay.

Tại sao các môn “nhạy cảm” không dính doping ?

Một bác sĩ của Trung tâm phòng chống doping Việt Nam chia sẻ, trong số các môn mà Việt Nam tổ chức tại SEA Games 31, có một số môn được xếp vào loại “nhạy cảm” vì hay dính đến sự cố doping. Trong đó có cử tạ, thể hình, xe đạp. Nhưng 3 đội tuyển của các môn này đều không có ca dương tính nào với chất cấm. Trung tâm đã rất bất ngờ, rất ngạc nhiên khi đội điền kinh lại có nhiều ca đến thế (mẫu A).

Trên thực tế, trước khi SEA Games 31 khởi tranh, Liên đoàn Thể hình Việt Nam đã chủ động chi kinh phí để cho xét nghiệm doping với 7 tuyển thủ và mẫu cũng được gửi sang Thái Lan, thì có tới 6 người bị dính chất cấm nên lập tức bị loại khỏi danh sách dự đại hội. Một chuyên gia về phòng chống doping tiết lộ, khi đi lấy mẫu xét nghiệm của các VĐV này, chuyên gia đã hỏi đi hỏi lại có dùng thuốc gì không hay sử dụng thực phẩm chức năng nào không, các VĐV đều khăng khăng khẳng định không dùng gì cả. Nhưng đến khi bên Thái Lan trả kết quả, đã “lòi” ra “một rổ chất cấm”. Vì được xét nghiệm sớm và loại sớm những trường hợp bị doping nên đội tuyển thể hình Việt Nam không có thêm VĐV nào dính chất cấm khi đang thi đấu tại SEA Games 31.

Còn môn cử tạ và xe đạp cũng được Liên đoàn Cử tạ và Liên đoàn Xe đạp kiểm soát cực kỳ chặt chẽ, khai báo liên tục với Trung tâm phòng chống doping Việt Nam việc sử dụng thuốc và các sản phẩm thực phẩm chức năng của các VĐV. Vì kinh phí hạn hẹp nên Tổng cục TDTT cũng chỉ cho xét nghiệm doping với một số đội tuyển trọng điểm và không ghi nhận bất kỳ ca doping nào trước SEA Games 31 (trừ môn thể hình như vừa kể trên).

Các VĐV điền kinh Việt Nam có nguy cơ bị cấm thi đấu từ 3 - 5 năm nếu bị kết luận dùng doping. Vậy, thể thao Việt Nam sẽ làm cách nào để phòng tránh sự cố này khi năm 2023, chúng ta dự các đại hội lớn như SEA Games 32 và sau đó là ASIAD, chưa kể nhiều giải đấu quốc tế khác nữa.

Một chuyên gia về doping nói: “Theo tôi, ở Việt Nam nên tiến hành 2 cách, thứ nhất là chủ động lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các VĐV trước các cuộc thi. Cách này tuy tốn kém nhưng cần thiết. Và cũng khiến VĐV chủ động phòng tránh, không dám dùng liều, dùng ẩu thuốc hay thực phẩm chức năng.

Thứ hai là yêu cầu HLV ký cam kết, HLV nào cho VĐV uống thuốc không đúng chỉ dẫn của bác sĩ, sẽ bị đuổi vĩnh viễn ra khỏi ngành và phải chịu hình thức kỷ luật nặng. Công tác tuyên truyền năm nào ngành thể thao cũng tổ chức thông qua các cuộc hội thảo, giảng giải các kiến thức về doping nhưng hiệu quả chưa cao do các VĐV còn rất thờ ơ, không chịu lắng nghe. Ban tổ chức phát tài liệu hay tờ rơi, VĐV đứng dậy là vứt ngay, không ai chịu đọc kỹ và cả nhiều HLV cũng vậy”.

Một tuyển thủ chia sẻ: “Trước SEA Games 31, chúng tôi tập rất mệt nên anh chị em trong đội bàn nhau mua thực phẩm chức năng về dùng. Giới thiệu cho nhau là loại này tốt lắm, có mua không để cùng đặt trên mạng. May tôi không mua vì vẫn còn loại thực phẩm do Tổng cục TDTT phát. Chứ nếu mua chung và sử dụng, có lẽ tôi cũng dính rồi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.