Chương trình có sự tham dự của nhiều lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử và các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị.
"Chống giặc trong từng hơi thở"
|
“Hồi đó chúng tôi rất trẻ, lên đường tham gia chiến dịch rất tự nhiên và chống giặc trong từng hơi thở. Chúng tôi không nề hà khó khăn gì, từ dẫn đường cho bộ đội vào đánh các trận lớn, đến đào hầm dân sự, gùi thồ đạn dược...”, bà Hoàng Thị Nở, một trong 11 cô gái sông Hương bồi hồi nhớ lại ký ức của thời mưa bom bão đạn.
Ngoài bà Nở, những nhân chứng sống đã bước ra từ chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 còn có ông Hồ Văn Xan, người trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị); hay đại tá Lê Ngọc Bảy, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Họ say sưa kể về những câu chuyện của mình giữa thời hoa lửa, về ý chí và lòng nhiệt tình mà thế hệ mình dành cho đất nước, dân tộc... Những câu chuyện xúc động từ các nhân chứng lần lượt được chia sẻ tại cuộc tọa đàm.
Theo dòng hồi ức, đại tá Lê Ngọc Bảy tái hiện phần nào sức mạnh và ý chí quật cường một thời tuổi trẻ, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ: “Không ngày đêm nào không có mưa bom bão đạn, không có người bị thương... Nhưng mỗi chúng tôi vẫn vững vàng tay súng, bằng lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, lòng tự hào dân tộc. Một lòng đẩy đuổi quân thù, quyết tâm đánh giặc giữa khó khăn muôn vàn, sự sống và cái chết chỉ trong tấc gang”.
Hàng trăm bạn trẻ tham gia sự kiện sáng qua đã không giấu được niềm cảm phục, tự hào xen lẫn tri ân đối với các thế hệ cha anh đi trước. “Những câu chuyện của ký ức được kể hôm nay chính là sự truyền lửa, là sức mạnh tinh thần, là hành trang vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Từ tri ân thế hệ đi trước, tuổi trẻ thời đại mới sẽ tiếp tục phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, khát khao cống hiến, dấn thân vì cộng đồng, xây dựng xã hội phồn thịnh”, anh Nguyễn Duy Minh, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, cảm kích.
Hoạt động có ý nghĩa với thế hệ trẻ
Tham dự và xuyên suốt các sự kiện kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại TP.Đà Nẵng, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương kỳ vọng đây sẽ là hoạt động có ý nghĩa chính trị trọng tâm, mang tính giáo dục trong toàn Đoàn đối với thế hệ trẻ. Cũng theo anh Lương, những nội dung được trao đổi tại tọa đàm góp phần giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện, trong lịch sử dân tộc. Bởi đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu mốc quan trọng, mở ra bước ngoặt căn bản trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris, mở ra thời cơ, điều kiện cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn dân tộc.
“Đây là cơ hội để ôn lại lịch sử sự kiện Mậu Thân 1968, khẳng định vai trò của thế hệ trẻ và tổ chức Đoàn trong cuộc tổng tiến công; những bài học về nhận thức, hành động mà thế hệ trẻ ngày nay cần rút ra từ thực tiễn lịch sử. Qua đó, bồi đắp thêm cho mỗi đoàn viên, thanh niên về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của thế hệ cha anh”, anh Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.
Thừa Thiên-Huế gặp mặt cán bộ tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân
Triển lãm tư liệu 50 năm - một mùa xuân lịch sử
Ngày 24.1, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức gặp mặt hơn 160 tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chỉ huy trực tiếp tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968. Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong cuộc tổng tiến công này, Thừa Thiên-Huế là một trong 3 ngọn cờ đầu. Đúng 22 giờ 33 phút tối 31.1.1968, tiếng súng tấn công bắt đầu vang lên khắp TP.Huế; sau 4 ngày chiến đấu, quân dân ta đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng như: dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang, sân bay Phú Bài... Đông đảo nhân dân Huế đã tích cực hỗ trợ lực lượng vũ trang, dẫn đường cho bộ đội; hàng ngàn thanh niên gia nhập các đội du kích, tự vệ. Sau 25 ngày đêm chiến đấu và làm chủ TP.Huế, quân và dân ta đã giải phóng 20 xã, trên 270 thôn và thành lập chính quyền ở 200 thôn... Chiến công xuất sắc này đã viết nên truyền thống “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
* Chào mừng kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (3.2.1930 - 3.2.2018) và 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018), Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) phối hợp cùng Thư viện Quân đội, Cục Chính trị Quân khu 7 tổ chức triển lãm tư liệu 50 năm - một mùa xuân lịch sử tại Thư viện KHTH TP.HCM.
Với hàng ngàn ấn bản chọn lọc được trưng bày cùng với hình ảnh tư liệu, sách báo... 50 năm - một mùa xuân lịch sử phác họa diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, biểu tượng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường, gan dạ của cuộc chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự VN, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Triển lãm được chia thành nhiều chủ đề: Tình thế mới của cuộc khánh chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bên cạnh triển lãm, một số hoạt động bổ trợ: Tọa đàm, giao lưu nhân chứng lịch sử Thành đoàn tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, trình diễn vở kịch Người mẹ thứ hai và chiếu phim về chủ đề Mậu Thân 1968... sẽ diễn ra đến hết ngày 29.1 tại 69 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM.
An Như - Công Sơn
|
Bình luận (0)