Nga tuyên bố bắn hạ Su-27 của Ukraine
TASS dẫn lời thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm 8.7 cho biết lực lượng phòng không nước này trong 24 giờ qua đã bắn hạ một tiêm kích Su-27 của Ukraine ở Kherson và đánh chặn 6 quả rốc két thuộc Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất.
Bên cạnh đó, các hệ thống phòng không Nga phá hủy 17 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine gần các khu định cư Verkhnekamenka (Luhansk), Maryinka, Volodino (Donetsk), Ostrikovka, Shirokoye, Mirnoye (Zaporizhzhia), Novaya Mayachka, Novaya Kakhovka, Malokakhovka, Ulyanovka (Kherson) và Volfino (Suma).
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 499, đã nhiều vũ khí phương Tây, Ukraine lại thêm mạnh với đạn chùm
Theo Sputnik News, Nga cũng đẩy lùi đợt tấn công của Ukraine về hướng Zaporizhzhia.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cập nhật bản tin tình báo với nội dung ghi nhận giao tranh ác liệt tái diễn ở Bakhmut, với quân Ukraine giành được một số khu vực dọc theo phía bắc và phía nam thành phố. Anh cũng cho rằng các đơn vị Nga đang chật vật duy trì việc kiểm soát Bakhmut, trong khi Moscow chưa bình luận về thông tin này.
Ngày 8.7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có chuyến thị sát công tác huấn luyện của những đơn vị mới thành lập thuộc Quân khu miền nam. RT đưa tin nội dung diễn tập bao gồm các chiến thuật và áp dụng vũ khí đã chứng tỏ hiệu quả trong quá trình Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Khóa huấn luyện cho tân binh kéo dài 38 ngày, bao gồm kỹ năng điều khiển siêu xe tăng T-90, dòng tăng chủ lực của bộ binh Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Đảo Rắn.
Các đồng minh phản đối Mỹ giao bom chùm
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý chuyển giao bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất, chính phủ Canada tuyên bố: "Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom chùm và cam kết chấm dứt sự ảnh hưởng của bom chùm đối với dân thường, đặc biệt là trẻ em".
Mỹ, Nga nói gì xoay quanh quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine?
"Canada hoàn toàn tuân thủ Công ước cấm phổ biến và sử dụng bom chùm, và chúng tôi thực thi nghiêm túc cam kết của mình theo những điều khoản của Công ước nhằm khuyến khích toàn cầu thực hiện", Reuters dẫn thông báo của chính quyền Ottawa hôm 8.7.
Bom chùm là loại bom phóng thích hàng loạt đầu đạn nhỏ hơn, gây sát thương không phân biệt trên diện rộng. Đây là loại vũ khí bị cấm theo Công ước cấm phổ biến và sử dụng bom chùm năm 2008, dù cả Nga, Ukraine lẫn Mỹ đều chưa ký vào công ước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Rezniko hoan nghênh Mỹ viện trợ dòng vũ khí nguy hiểm trên, mà theo ông có thể giúp Ukraine đạt được lợi thế trên chiến trường trước Nga. Thế nhưng, chính quyền Moscow cũng có thể viện dẫn dòng vũ khí đó trong trường hợp Ukraine sử dụng trước để có các bước đi tiếp theo.
Bên cạnh Canada, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Anh cũng lên tiếng phản đối. Báo The Guardian dẫn lời Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết nước này đã tham gia Công ước và vì thế không khuyến khích Mỹ có hành động như thế.
Thổ Nhĩ Kỳ nói "có" với Ukraine
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Zelensky ở Istanbul hôm 8.7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Ukraine đáng được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, tại CH Czech, một trong vài nước thành viên NATO mà ông Zelensky công du trong tuần, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh NATO cần phải đưa ra "tín hiệu rõ ràng rằng Ukraine sẽ được tiếp nhận vào khối liên minh".
Tổng thống Ukraine đưa các chỉ huy cố thủ nhà máy thép Azovstal "về nhà", Nga phản ứng
Dù vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho rằng toàn bộ thành viên NATO đã đạt được nhất trí trong việc rút ngắn quy trình để Ukraine có thể được kết nạp trước khi chiến sự chấm dứt.
Trong khi ủng hộ Ukraine, Tổng thống Erdogan vẫn chưa thay đổi ý kiến về khả năng Thụy Điển có thể được kết nạp trong thời gian tới.
Và dù ông Erdogan xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng sau, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay chưa có lịch trình cũng như ngày chính thức ông Putin sẽ đến.
Theo một diễn biến khác, Nga đã trao trả 5 chỉ huy Ukraine dẫn đầu chiến dịch cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol trước khi buộc phải đầu hàng Nga vào tháng 5.2022. Việc trao trả là kết quả của cuộc thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Tuy nhiên, sau khi Ukraine tiếp nhận người, Điện Kremlin nói Ankara đã vi phạm thỏa thuận với Nga liên quan đến việc giam giữ 5 chỉ huy này, và Moscow chưa được thông báo trước về việc giao trả tù binh cho Kyiv.
Có gì trong những doanh trại Belarus bố trí cho lực lượng Wagner?
Bình luận (0)