Chùa Giác Viên trên đường Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM), một trong những ngôi chùa cổ nhất TP.HCM đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, đang chuẩn bị được trùng tu, tôn tạo.
Chùa cổ Giác Viên đang xuống cấp trầm trọng - Ảnh: Quỳnh Trân |
UBND TP.HCM vừa ra quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo chùa cổ Giác Viên trong vòng 2 năm (2015 - 2016) với kinh phí và quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, TP.HCM sẽ cấp kinh phí tu bổ nhà chánh điện, đông lang, tây lang, nhà nối, tháp xá lợi, sân..., hạ giải toàn bộ mái ngói, các kết cấu gỗ bị hư mục, tháo dỡ gạch lát nền, vách ván gỗ, hạ giải một số tường hư mục; đắp cát tôn nền chỗ lún, lát lại gạch nền lục giác, thay thế các cấu kiện gỗ lợp, lại mái ngói âm dương, gia công các cấu kiện con giống trên mái, sơn phủ phục hồi các cấu kiện gỗ, hoa văn, họa tiết... như nguyên gốc.
Bên cạnh đó, sẽ tu bổ hệ thống bao lam, hoành phi, đối liễn, tiến hành phục dựng lại nguyên gốc nhà trù, nhà cốt, hàng rào... đồng thời thực hiện việc xây kè chống xói lở cho chùa, hệ thống cấp thoát nước và phòng cháy chữa cháy. Tổng kinh phí cho dự án hơn 51 tỉ đồng, để chùa cổ 165 tuổi trở thành điểm tham quan du lịch mới của TP.HCM trong tương lai.
Đứng tim vì ngói rơi loảng xoảng
Đưa PV Thanh Niên đến những hạng mục đã bị sụp đổ hoàn toàn hoặc xiêu vẹo phải chống đỡ: nhà trù, nhà cốt, bếp ăn... thậm chí nhiều chỗ bỏ hoang phế cỏ dại mọc um tùm, thầy Thích Huệ Quang - đại diện chùa Giác Viên - than: “Trước đây rạch cầu Mé chạy bên chùa thông suốt nên nước thoát rất nhanh nhưng bây giờ tình trạng lấn chiếm rạch, xây cất nhà ở xung quanh nhiều quá, mưa to xuống chùa phải chịu cảnh nước ngập đến nửa mét cả ngày liền là chuyện thường. Mái ngói âm dương gần như toàn bộ bị mục, hỏng... Chỉ một trận mưa là chùa cổ dột tứ bề, các thầy phải thi nhau lấy thau hứng. Đôi khi gặp gió to, đang tụng kinh các thầy... đứng tim vì tiếng ngói rơi loảng xoảng, có lần cả máng xối đổ ập xuống bên dưới lối đi”.
Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hệ thống kèo đấu nối trên mái chùa bong tróc, phần chân cột do ngâm nước mưa lâu nay làm hư hỏng khá nhiều, chưa kể bị mối mọt ăn mục rỗng ruột cả bên trong. Vững chãi nhất là nhà chánh điện mà nền cũng sụp lún chỗ cao chỗ thấp, nền gạch lót như có sóng lượn. Một số khu vực xuống cấp thảm thương phải cắm biển cảnh báo. Khu xá lợi là quần thể kiến trúc mộ tháp rất độc đáo giờ đây cỏ dại mọc um tùm. Nhiều lần chùa đã lên kế hoạch chống ngập, tạm sửa chữa lại đường thoát nước và nhà vệ sinh, nhưng do là di tích quốc gia nên... không được cho phép.
Sáng 15.11, trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Lê Tôn Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM khẳng định: “Chùa Giác Viên là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo từ lâu đời và có kiến trúc vào dạng quý, hiếm của TP.HCM. Tuy nhiên do chất liệu làm thời xưa thuộc dạng không bền vững, chủ yếu là gỗ nên qua thời gian quá lâu chùa đã đến giai đoạn xuống cấp cần phải sửa chữa, gia cố để tăng sự bền vững và ổn định của di tích. Công việc trùng tu dự kiến tiến hành theo nhiều giai đoạn nhưng cố gắng trong vòng 2 năm phải hoàn thành”.
Theo thầy Thích Huệ Quang, cách đây khoảng 2 tháng, địa phương đã tiến hành cưỡng chế buộc 1 hộ trả lại diện tích đất chùa mà họ đã chiếm dụng bất hợp pháp, còn lại những hộ khác cũng sẽ phải tháo dỡ khi có yêu cầu để trả lại mặt bằng cho chùa tiến hành trùng tu.
Thầy thông tin thêm, do các hạng mục được thi công theo kiểu cuốn chiếu nên không ảnh hưởng đến mọi công việc phật sự của chùa. Khách đến tham quan và tín đồ phật tử thập phương vẫn có thể tới thăm viếng và thực hiện các nghi lễ Phật giáo bình thường.
Di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Theo tài liệu Hành trình di sản của Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM, năm 1798, khi tiến hành trùng tu chùa Giác Lâm, toàn bộ số gỗ được tập kết về bến Hố Đất (nay là vị trí chùa Giác Viên).
Người phụ trách nhang đèn chùa Giác Lâm đã dựng một am thờ Quan Âm tại bến gỗ. Năm 1850, từ những phần vật liệu còn lại, hòa thượng Hải Tịnh đã cho xây dựng chùa Giác Viên trên phần nền Quan Âm các. Nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt tôn giáo quan trọng và là nơi in ấn trùng khắc kinh sách Phật giáo trên bản gỗ.
Đến chùa Giác Viên, điều thu hút nhất du khách là ở nghệ thuật điêu khắc tượng tròn và chạm khắc gỗ. Hiện ở chùa có 153 tượng bằng gỗ đường nét mềm mại, mang nhiều sắc thái và mức độ biểu cảm khác nhau.
Các câu đối chạm chìm vào thân cột trên 60 bức bao lam trang trí khắp nơi trong chùa rất đẹp. Đạt đến giá trị nghệ thuật cao nhất là hai bao lam cửa với đề tài Thập bát La hán thượng kỳ thú (18 vị La hán ngồi trên các con vật linh), còn lại những bao lam khám thờ được chạm trổ tinh xảo, trong đó bao lam “bá điểu” hiện được xem là mẫu mực điển hình nhiều mặt cho nghệ thuật chạm lộng gỗ ở TP.HCM.
|
Bình luận (0)