525 năm ngày hoàng đế Lê Thánh Tông qua đời (theo âm lịch: 30.1.1497 - 30.1.2022): Cuộc hòa huyết vĩ đại

01/03/2022 06:41 GMT+7

Hoàng đế Lê Thánh Tông - chúng ta muốn gọi Ngài như vậy, thay vì chỉ gọi là vua Lê Thánh Tông . Nguyên do bởi công lao của Ngài quá lớn lao đối với nước Việt chúng ta.

Đó là con người “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” theo nghĩa cao đẹp nhất của những từ này. Gần như trong mọi lĩnh vực trị nước, Lê Thánh Tông đều thực hiện một cách quá xuất sắc.

Là dân Quảng Ngãi, tôi quan tâm nhất tới hoàng đế Lê Thánh Tông ở lần ông đưa 26 vạn quân, cả đường thủy và đường bộ, tiến vào đất Quảng Ngãi để chinh phạt vương quốc Chiêm Thành của vua Trà Toàn ở kinh đô Đồ Bàn - một người hung dữ và muốn lấn chiếm đất Việt bằng cách cầu xin Trung Quốc “phối hợp” với Chiêm Thành để “dạy cho người Việt một bài học”.

Bài học ấy, Trà Toàn chưa kịp dạy cho người Việt thì đã phải dạy cho chính mình, bằng cách khiến đại quân Việt do hoàng đế Lê Thánh Tông thống lĩnh thân chinh tiến vào miền Trung, mà điểm tập kết chính là Vạn Tường.

Sử sách đã nói rất nhiều, rất rõ về những trận đánh và chiến thắng tuyệt đối của đạo quân hoàng đế Lê Thánh Tông, nhưng tôi muốn nhìn thắng lợi của cuộc chiến ngắn ngày này ở một khía cạnh khác, một thắng lợi khác của hòa bình, không phải của chiến tranh, một thắng lợi âm thầm, trải qua nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ. Đó là một cuộc hòa huyết vĩ đại giữa người Chàm và người Việt, diễn ra không chỉ ở Quảng Ngãi, ở miền Trung, mà còn ở miền Bắc Việt Nam.

Tượng nam thần (Yama?)

chammuseum.vn

Nữ thần Durga đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

chammuseum.vn

Nghe từ sáu trăm năm trước

Khi tôi nghe lại điệu hát Sắc Bùa vốn là điệu hát của người Mường ở miền Bắc, khi vào miền Trung, vào Quảng Ngãi quê tôi đã có những biến điệu nào mới không, tôi chợt thấy, đầu tiên là sự xuất hiện chiếc trống vỗ, chiếc trống Paranưng của người Chàm. Đội hát Sắc Bùa gồm 12 nam thanh nữ tú đến từng nhà mừng Xuân, chúc mọi điều tốt đẹp cho gia chủ. Ý nghĩa thì Sắc Bùa của người Mường ở miền Bắc, Sắc Bùa của người Quảng Ngãi ở miền Trung đều giống nhau. Nhưng nhạc cụ thì có hơi khác. Và cái khác ở nhạc cụ trống vỗ tạo nên vẻ rộn rã hơn cho Sắc Bùa Quảng Ngãi hay Quảng Nam. Sự “hòa huyết nhạc cụ” đã tạo cho Sắc Bùa miền Trung một sắc thái, và đó chính là “đứa con của hai dòng máu” trong âm nhạc như chúng ta thường nói.

Khi những binh lính của Lê Thánh Tông ở lại cùng những lưu dân người Việt từ Nghệ Tĩnh đi vào khai khẩn đất hoang, tìm sinh kế trên mảnh đất Quảng Ngãi, những người đàn ông Việt đã gặp những người phụ nữ Chàm sau những tháng ngày lao động trên đồng ruộng, trên các bãi sông, dưới chân những tháp Chàm ấm áp:

“một chàng trai sáu trăm năm trước

một cô gái sáu trăm năm trước

vật vã trên bãi sông Trà

gió mơn man da thịt

mùi bắp non mùi rong rêu mùi bùn mùi nước sông

ngai ngái

đằm đằm trai gái hoang sơ

những cú xoay mình

những tiếng rên bất chợt

tôi nghe từ sáu trăm năm trước

một giai điệu quen

một bài hát không lời

sáu trăm năm hay sáu nghìn năm

mùi ân ái trong đêm vẫn thế

cái mùi quen quen như thể

nó làm nên

Quảng Ngãi"

(Trường ca chân đất - Thanh Thảo)

Những chàng trai Việt cô gái Chàm ấy là tổ tiên của chúng tôi. Có lần nói chuyện với một nhà dân tộc học quan tâm sâu tới đề tài này, ông đã nói với tôi: "Người Quảng Ngãi các anh có tới mấy chục phần trăm dòng máu Chàm".

Tôi tin điều đó. Bản thân tôi, khi tìm hiểu sâu hơn về bên ngoại, dù họ tổ là họ Trần, nhưng tôi biết, họ tổ của mình đã từng có hòa huyết Việt - Chàm.

Tôi giống mẹ. Như thế, trong máu tôi vẫn có những phần trăm của dòng máu người Chàm từ bên ngoại, từ những tháng năm đoàn quân và lưu dân Việt vào Quảng Ngãi này. Cuộc hòa huyết vĩ đại ấy xảy ra qua biết bao đời, xảy ra trong yêu thương, hòa bình:

tôi kính dâng lên tổ tiên mình

chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân Tháp

cái bát người con trai Việt

lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm

như tìm nơi trú ngụ

(Trường ca chân đất - Thanh Thảo)

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.