Về cách gọi khác nhau của quốc hiệu Champa

05/12/2021 06:54 GMT+7

Khi đề cập về vương quốc Champa, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn còn tranh cãi sự tồn tại một vương quốc Champa thống nhất hay bao gồm các tiểu quốc độc lập với nhau.

Điều đó ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu quốc hiệu của vương quốc Champa qua các triều đại; vì vậy vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, định danh rõ ràng hơn.

Nhiều tên gọi vương quốc Champa

Nguồn sử liệu Trung Hoa và VN thường gọi Champa theo 3 tên chính: Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành. Trong Phủ biên tạp lục (năm 1776), Lê Quý Đôn viết: “Huyện đời Hán rất lớn, như hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam nước ta là nước Chiêm Thành đời Tống, nước Lâm Ấp đời Tấn đời Đường, mà đời Hán thì chỉ là đất của một huyện Tượng Lâm mà thôi. Đường thư, Địa lý chí chép rằng, "An Nam đại Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ quản 12 châu là Giao, Lục, Phong, Ái, Hoan, Diễn, Trường, Phúc Lộc, Thang, Chi, Võ An, Võ Nga". Thời bấy giờ Chiêm Thành trước gọi là Lâm Ấp, lại gọi là Hoàn Vương quốc, không biết phân giới ở chỗ nào”.

Hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về Champa

NGUYỄN THÀNH

Tổng hợp từ các nguồn sử liệu cổ và trung đại, ở chương “Người Chàm lập quốc” trong tác phẩm Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777, GS Phan Khoang viết: “Đến cuối đời Đông Hán, con của viên Công-tào huyện Tượng-Lâm là Khu-Liên nhân trong xứ có loạn, giết quan Huyện-lệnh mà tự lập làm vua. Ấy là năm Sơ-bình thứ 3 đời vua Hiến-đế nhà Hán, tức là năm 192. Theo lời ghi khắc trên một tấm bia tìm được thì vị vua đầu tiên của người Chàm là Cri Mara. (…) Nước lập nên ấy, sử Trung-hoa gọi là Lâm-ấp, còn người ấy tự xưng là Cam (Chàm) hoặc Chiêm-bà (Champa). Nước Lâm-ấp lấy đất Quảng-nam ngày nay làm trung tâm điểm, dựng đô ở Trà-kiệu. (…) Đời vua Đường Túc-tông, Càn-nguyên năm đầu (758), sử Trung-quốc gọi Lâm-ấp là Hoàn-vương. Ấy là năm đầu của đệ ngũ vương triều Chàm, và quốc hiệu này được giữ cho đến năm vương triều này cáo chung (859)… Năm 875 thì một triều vua mới lên làm vua ở phía bắc tại Indrapura (Đồng-dương) trong tỉnh Quảng Nam ngày nay. Ấy là đệ lục vương triều (875 - 991). Đồng thời, sử Trung-quốc cũng đổi gọi là nước Chiêm-thành”.

Trong sách Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam, hai nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung (Hội Khảo cổ học VN) cho rằng: “Từ Champa được sử dụng rộng rãi bởi các học giả phương Tây theo truyền thống sử học phương Tây từ đầu thế kỷ 20. Hiện nay, danh hiệu Champa thường được các học giả trong nước sử dụng thay thế danh hiệu Chiêm Thành”.

Cần có sự nghiên cứu thống nhất

Trước những tên gọi khác nhau về vương quốc Champa như vậy, trong bài viết Khởi nguồn của Champa: Một tiếp cận dựa trên sử liệu phi truyền thống, nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh nhận định: “Đối với những nhà nghiên cứu sử học cổ - trung đại và những người quan tâm đến lịch sử, cái tên Champa không phải là một danh xưng xa lạ, nhưng đến nay vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Hầu hết những diễn ngôn gần nhất của giới học giả đều nhìn nhận Champa như một vương quốc tập hợp nhiều tiểu quốc ở miền Trung VN (đôi khi cả khu vực Tây nguyên), chưa có tư liệu nào chứng minh Champa là “một quốc gia” (…) Nhưng tất cả điều đó chỉ là một cách gọi tên, bản chất thật sự của vấn đề nguồn gốc, bối cảnh hình thành, cách thức mà chính thể này liên kết, tồn tại, phát triển và suy vong vẫn chưa được nhìn nhận một cách tỉ mỉ và toàn diện. Khái niệm Champa cần phải được định nghĩa lại, vị trí của nó trong bối cảnh quá khứ, trong diễn trình lịch sử cũng nên cần được định vị lại. Để làm được điều đó ta không nên chỉ dựa vào sử liệu Trung Hoa, không nên chỉ dựa vào các lý thuyết hàn lâm mang tính giả định, mà nên dựa vào các cứ liệu có tính kiểm chứng (như khảo cổ học) và các sử liệu mang tính tự sự (bia ký)…”.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu về Champa là các cứ liệu kiểm chứng và sử liệu mang tính tự sự hầu như không còn nhiều, do tác động của thời gian, thiên tai và nhất là chiến tranh liên miên. Sách Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777 ghi: “Đời vua Tùy Dượng-đế, Đại Nghiệp năm đầu (605), Lưu Phương sai thứ sử Khâm-châu là Ninh Trường Chân đem bộ binh, kỵ binh từ huyện Việt-thường (quận Cửu-đức) sang, và đích thân đem thủy binh từ Tuy-cảnh vào; thủy lục đều tiến, đánh Lâm-ấp, chiếm đóng Khu-túc, quân Lâm-ấp thua to, quân Tàu đuổi theo mấy ngày, thắng mấy trận, rồi tiến đến quốc đô (Trà-kiệu), vua là Phạm Phạn-chí (Cambhuvarman) bỏ thành chạy ra biển, Lưu Phương vào thành bắt hết người Chàm làm tù binh, thu được 18 thần-chủ bằng vàng thờ trong miếu, hơn 1.350 bộ kinh Phật và nhiều sách viết bằng chữ Chiêm-bà”.

Hay tác giả Phan Du trong cuốn Quảng Nam qua các thời đại đề cập: “Năm 535, dưới triều vua Lâm ấp Rudravarman 1, vị vua đầu tiên của đệ tứ vương triều, một trận hỏa hoạn lớn lao kinh khủng xảy ra, thiêu hủy cả ngôi đền đầu tiên của Thần Bhadrecvara ở Mỹ Sơn”…

Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng việc tìm hiểu về quốc hiệu nói riêng, lịch sử hình thành, phát triển và suy vong của vương quốc Champa nói chung luôn là vấn đề lý thú, hấp dẫn và nghiêm túc.

“Champa là một thuật ngữ có nguồn gốc Ấn Độ, đó là sự mô phỏng một địa danh Phạn ngữ mà người Chăm chịu ảnh hưởng trong quá trình tiếp xúc với văn minh Hindu (M.Vickery 2005, p.16 )… Sự xuất hiện của danh xưng Champa ở miền Trung VN và sau đó trở thành quốc hiệu chung của các vương quốc ở vùng này là một cách tiếp thu các địa danh có nguồn gốc Ấn Độ điển hình để đặt tên cho các vùng, tiểu quốc của các chính thể bản xứ như tên gọi Amaravati (Quảng Nam, Đà Nẵng), Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận)”.

Nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.