Trung tâm tôn giáo thời Hoàn Vương
Giữa thế kỷ VII, kinh đô Champa được dời từ Simhapura (Trà Kiệu) ở phía bắc vào Virapura (Phan Rang) ở phía nam, bắt đầu một triều đại mới – vương triều Panduranga – giai đoạn vương quốc Champa được sử Trung Hoa gọi bằng cái tên Hoàn Vương.
Khu đền tháp Po Nagar |
NAM HOA |
Trong giai đoạn lịch sử này, cùng với việc kinh đô được dời về phía nam, một số trung tâm tôn giáo mới cũng được xây dựng ở phía nam, như cụm đền tháp Hòa Lai ở Panduranga, cụm đền tháp Po Nagar ở Kauthara. Mặc dù kinh đô Virapura nằm trên đất Panduranga nhưng cụm đền tháp Po Nagar ở Kauthara vẫn giữ một vai trò quan trọng, một trung tâm tôn giáo mới của vương quốc.
Cụm đền tháp Po Nagar được xây dựng trên một ngọn đồi thấp ngay cửa sông Cái tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Có lẽ ngôi đền đầu tiên đã có tại đây từ trước khi vương triều Panduranga được mở ra. Bia ký sớm nhất được tìm thấy nói về khu đền tháp này là của vua Satyavarman (vị vua thứ hai của Hoàn Vương) dựng năm 784 cho biết, từ trước kia ở đây đã có một đền thờ bằng gỗ được một vị vua tên là Vicitrasagara dựng lên, với vật thờ là một Mukhalinga của thần Siva.
Năm Saka 696 (774 Công nguyên), Kauthara bị người Java đổ bộ tấn công, họ đã cướp đi chiếc Mukalinga và đốt cháy ngôi đền. Sau khi vua Satyavarman đánh đuổi quân Java, ngài đã cho xây dựng lại ngôi đền mới. Bia ký của Satyavarman có niên đại năm 784 cho biết: “… Đức vua Sri Satyavarman, người cai quản tuyệt vời vương quốc của mình, người quyết định dâng hiến bản thân cho việc phụng thờ Isvara, đã hoàn toàn tái thiết lại rực rỡ như xưa chiếc Kosa có khuôn mặt cùng hình người phụ nữ đẹp (Parvati) và hình voi (Ganesa)… vào năm Saka 706 (784 Công nguyên – NV)” – theo Tháp Bà Thiên y Ana – Hành trình của một nữ thần (Ngô Văn Doanh, NXB Trẻ, 2009).
Tượng thần trên trán của tháp chính |
NAM HOA |
Hoàn Vương hùng mạnh và giàu có, các vị vua Hoàn Vương đã mở các cuộc chiến trừng phạt các nước lân bang, và vương quốc này cũng phải chịu các cuộc tấn công trả lại của các nước khác. Khu đền thờ Po Nagar với những linh vật quý báu được dâng cho các vị thần, vì thế, không tránh khỏi việc bị nhòm ngó, cướp phá. Nhưng các vị vua Hoàn Vương liên tục khôi phục và cho xây dựng thêm những đền thờ ở khu vực này. Khoảng năm 854, vương triều Panduranga kết thúc sau cái chết của vua Vikrantavarman III.
Vương triều Indrapura được mở ra với vị vua mới Indravarman II người phương bắc, nhà vua dời kinh đô trở lại miền bắc, tại Đồng Dương (thuộc Quảng Nam ngày nay), và trung tâm tôn giáo của Champa (từ giai đoạn này được sử Trung Hoa gọi là Chiêm Thành) lại trở về phía bắc vương quốc.
Tiếp tục được thờ phụng lâu dài
Mặc dù tại vương triều Indrapura có sự thay đổi lớn trong đời sống tinh thần của người Champa khi Phật giáo gần như trở thành tôn giáo chính của triều đình, các vị vua Chiêm Thành không lãng quên thánh địa Po Nagar ở phương nam. Sau thời gian trị vì của 4 vị vua đầu tiên, đến năm 916 vua Indravarman III lên ngôi, và năm 918 nhà vua đã cho dựng tại khu đền thờ Po Nagar một bức tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.
Dãy cột tiết diện bát giác, phần còn lại của một kiến trúc cổ |
NAM HOA |
Bia ký năm 918 do Indravarman III để lại tại khu đền Po Nagar viết: “… Vào năm Saka 840 (năm 918 – NV) … ngài (Indravarman III) cho dựng hình nữ thần Bhagavati bằng vàng này để có được danh thơm trên khắp thế giới”. Đến năm 950, vùng Kauthara bị người Khmer tấn công, khu đền bị phá và bức tượng nữ thần Bhavagati bằng vàng bị cướp đi, tuy nhiên cuối cùng vua Indravarman III cũng đánh đuổi được quân xâm lược. Indravarman III mất năm 959 và vị vua nối ngôi là Jaya Indravarman I.
Sách đã dẫn cho biết năm 965 Jaya Indravarman I đã cho phục hồi lại khu đền bị phá hủy năm 950 và cho dựng lại pho tượng nữ thần bằng đá. Những sự việc này được ghi chép tại bia ký của Jaya Indravarman I để lại tại khu đền Po Nagar vào năm 965: “… Những người Kambuja, do lòng tham và các tật xấu khác chi phối, đã chết sau khi cướp đi pho tượng vàng vốn được đức vua (Indravarman III – NV) dựng lên trước đó … Vào năm Saka 887 (năm 965 – NV) Sri Jaya Indravarman I, vì sự hưng thịnh, đã dựng ở Kauthara pho tượng nữ thần bằng đá”.
Những dòng bia ký được người Chăm xưa khắc trên cột trụ cửa tháp chính |
NAM HOA |
Từ đó về sau tuy có những khoảng thời gian các bia ký không nhắc tới khu đền – nhưng đều không quá dài – các vị vua Chiêm Thành vẫn thường xuyên cúng dâng lên khu đền Po Nagar những pho tượng thần cùng các đồ thờ phụng quý khác.
Theo dòng chảy của lịch sử, với cuộc Nam tiến của Đại Việt, người Champa lui dần về phía nam, khu đền tháp Po Nagar luôn được người Champa thờ phụng đều đặn, ngay cả khi đất Kauthara đã thuộc về Đại Việt. Chỉ tới khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra năm 1771, khu vực Khauthara – lúc này đã thành đất Khánh Hòa của Đại Việt – trở thành chiến trường thường xuyên của Tây Sơn với quân Nguyễn, thì người Champa mới dời việc thờ phụng ở khu đền Po Nagar về đất Panduranga (ngôi đền này ngày nay ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).
Không gian thờ cúng với sự pha trộn tín ngưỡng Việt – Chăm |
NAM HOA |
Khi người Champa rút đi, người Việt tiếp quản khu đền thờ Po Nagar, và biến khu đền tháp này thành nơi thờ phụng linh thiêng của mình, họ Việt hóa dần những yếu tố tôn giáo ở đây để phù hợp với tín ngưỡng của mình.
Như vậy, tuy có những giai đoạn ngắn bị gián đoạn do chiến tranh tàn phá, nhưng có thể nói khu đền tháp Po Nagar được cư dân Champa thờ phụng liên tục từ giữa thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 18 và ngay sau đó lại được người Việt tiếp tục thờ phụng từ đó tới nay, trở thành khu đền tháp Champa được thờ phụng lâu dài nhất trên dải đất miền Trung. (còn tiếp)
Bình luận (0)