Ngôi tháp có hình dáng độc nhất vô nhị
Đại Nam nhất thống chí (tập 2, quyển 7, tỉnh Quảng Nam) chép: “Ở phía Đông và phía Tây xã Đông Ba, huyện Diên Phước, có hai cây tháp nay đều đổ nát, một tháp đổ xuống thành gò ước hơn một mẫu, năm nào gặp đại hạn cầu đảo thường có linh ứng; một tháp ở xã Câu Nhi nay vẫn còn”.
Hai pho tượng sư tử đá (Gajasimha) tại tháp Bằng An |
NAM HOA |
Ngôi tháp “ở xã Câu Nhi nay vẫn còn” chính là tháp Bằng An, bên bờ bắc của sông Vĩnh Điện. Tháp Bằng An là ngôi tháp Champa duy nhất có mặt bằng hình bát giác, các mặt tường đều trơn, không có cột ốp, không có cửa giả, không có hoa văn trang trí. Cửa ra vào tháp là một cấu dạng tiền sảnh lớn, gồm một cửa chính và hai cửa ngách hai bên hông, tuy nhiên năm 1940 người Pháp khi trùng tu tháp, đã biến hai cửa ngách thành hai cửa sổ cao và dài ở hai bên hông hành lang cửa vào tháp.
Tháp chỉ có hai phần: thân và mái, không có các tầng thu nhỏ lên trên như các tháp Champa truyền thống. Tám mặt mái tháp có lẽ trước kia cũng được trang trí, nhưng hiện nay chỉ còn mái trơn. Từ xa nhìn lại, tháp Bằng An như một chiếc linga bằng gạch khổng lồ.
Khi H.Parmentier mới đến nghiên cứu tháp Bằng An, ông còn ghi nhận tại khu vực này ngoài tháp chính còn dấu tích hai kiến trúc nhỏ khác bên cạnh, tuy nhiên đến nay chỉ còn lại tháp chính cùng hai pho tượng sư tử đá Gajasimha, cùng một bia ký (được gọi là bia ký Bằng An). Bia ký này để lại một số thông tin thú vị.
Tháp Bằng An |
NAM HOA |
Với những thông tin để lại từ bia ký Bằng An, người ta đã dịch ra được một phần nội dung. Theo đó, bia ký này do một vị vua có tên là Bhadravarman II để lại, tuy nhiên niên đại của tấm bia không còn đầy đủ, chỉ còn lại con số hàng trăm: “8…saka”. Vì Tây lịch muộn hơn lịch Saka 78 năm, nên các nhà khoa học đành phải bằng lòng với việc chấp nhận niên đại của bia ký Bằng An ở vào khoảng giữa những năm 878-977. Vấn đề là, “vua Bhadravarman II” là ai?
Giải mã bia ký
Qua thông tin từ một bia ký khác, bia An Thái (Quảng Nam) có niên đại năm 904 –tác giả Edouard Huber trong bài Etudes Indochinoises (Nghiên cứu Đông Dương) – cho biết: Bhadravarman II là cha của vua Indravarman II, người sáng lập ra vương triều Indrapura với kinh đô ở Đồng Dương.
Ngược trở lại lịch sử Champa, giai đoạn vương quốc Champa được gọi là Hoàn Vương kết thúc vào năm 854. Kinh đô được dịch chuyển từ Virapura ở Panduranga trở ra phía bắc, tại Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam ngày nay) và mở ra triều đại Indrapura với vị vua đầu tiên là Indravarman II.
Louis Finot - giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác cổ, trong bài Inscriptions du Quang Nam (Bia ký Quảng Nam) viết: tấm bia ký Đồng Dương I có niên đại năm 875 cho biết vua Indravarman II có cha là Bhadravarman II, và ông nội là Rudravarman. Nhưng bia ký này cũng ghi nhận rằng Indravarman II được làm vua Champa nhờ vào năng lực của bản thân ông và quyền lực của thần Siva, chứ không phải nhờ được truyền từ ông và cha – điều này cũng phù hợp với việc Indravarman II là vị vua sáng lập của triều đại Indrapura, tiếp nối triều đại Panduranga của giai đoạn Champa mang tên Hoàn Vương như đã nói.
Mặt bằng khu vực tháp Bằng An do H.Parmentier vẽ đầu thế kỷ 20 |
T.L |
Như vậy, vị “vua” Bhadravarman II – người đã lệnh xây tháp Bằng An rất có thể chỉ là ngôi vị được suy tôn, chứ không phải thực sự là vua Champa (hoặc có thể ông ta là lãnh chúa của địa phương sở tại). Việc một người được mang danh hiệu là “vua” mà không phải thực sự là vua một nước thì trong sử Việt cũng không hiếm (Trần Thái Tông tôn cha mình Trần Thừa là Thái tổ, vua Gia Long truy tôn các chúa Nguyễn làm các vị vua, truy tôn cả tới Nguyễn Kim…).
Rất may, một bia ký khác ở khu vực này – bia ký Hóa Quê ((Đà Nẵng)) có niên đại khoảng năm 909-910, đã cho biết rõ hơn: “(Bhadravarman II) thuộc chủng tộc Bhgru, trị vì trong đô thị đặt tên là Campa (tức Indrapura) được thành lập từ xưa kia theo lệnh nhà hiền triết Bhgru” – theo Tháp cổ Champa (Ngô Văn Doanh, NXB Văn hóa Văn nghệ 2018). Thông tin này giúp củng cố ý kiến cho rằng Bhdravarman II có thể là một quý tộc vùng Indrapura, và điều đó góp phần giúp cho con ông là vua Indravarman II thuận lợi trong việc giành lấy ngôi vương từ triều đại Panduranga đang suy yếu ở phương Nam.
Bia ký Bằng An |
NAM HOA |
Bia ký Bằng An cho biết, vua (Bhadravarman II) có chiếu chỉ ra lệnh xây một linga Paramesvara (Thượng đế tuyệt đỉnh, một tên hiệu của thần Siva – theo Tháp cổ Champa). Như vậy rất có thể tháp Bằng An là do “vua” Bhadravarman II lệnh cho xây. Nhưng vấn đề đặt ra là niên đại của tháp và của bia ký có trùng khớp với nhau?
Bằng cách so sánh tiết diện bát giác của thân tháp với các cột trụ bát giác ở tháp Po Nagar hay ở các di tích Đồng Dương cùng một số chi tiết khác, nhóm nghiên cứu của tác giả Ngô Văn Doanh đã kết luận rằng niên đại của tháp Bằng An ở vào khoảng cuối thế kỷ 9 tới đầu thế kỷ 11 – khá tương đồng với niên đại bia ký Bằng An. Như vậy có thể cụm đền tháp Bằng An là do “vua” Bhadravarman cho xây dựng.
Bình luận (0)