57 năm đẩy xe gỏi khô bò rong ruổi khắp TP.HCM, người đàn ông tìm niềm vui từ nghề

16/07/2023 10:45 GMT+7

Dù nắng hay mưa, từ chiều đến đêm mỗi ngày, ông Hải vẫn đẩy xe gỏi khô bò rong ruổi khắp các hẻm ở TP.HCM. Ông đã gắn bó với nghề này 57 năm qua.

Khoảng 17 giờ, TP.HCM tấp nập xe cộ qua lại. Trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), ông Phạm Văn Hải (67 tuổi), đẩy xe gỏi khô bò bán cho mọi người. Không có lời mời, không có tiếng rao, ai nghe thấy tiếng "cách cách", "xập xập" phát ra từ chiếc kéo là biết xe bán gỏi khô bò đang gần đó.

Cả đời người theo nghề

Ông Hải tâm sự, nghề bán gỏi khô bò được ba của ông truyền lại. Năm lên 9 tuổi, ông cùng ba đi bán quanh khu Bàn Cờ (Q.3). Mỗi sáng, ba lại để nguyên liệu chất trên xe gỏi, chở ông đi bán đến tận tối. Nghề cũng theo ông từ thời điểm đó. Sau hơn hai năm bán cố định một chỗ, hai ba con thay bằng một chiếc xe đẩy nhỏ, đi bán khắp các con hẻm Sài Gòn. Công việc sơ chế nguyên liệu, cách trộn gỏi, làm khô bò... ông cũng được ba truyền lại từ những ngày này.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 1.

Ông Hải đẩy xe gỏi khô bò khắp TP.HCM

ÁNH TUYẾT

Nghề bán gỏi khô bò gắn bó với ông từ năm nay qua năm khác. Đó cũng là công việc mang lại thu nhập cho ông. Hỏi về gia cảnh, ông Hải nói rằng ông từng  lập gia đình và có một người con trai. Tuy nhiên, vì một số lý do, vợ chồng ông không sống với nhau, ông nuôi con từ khi con nhỏ.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 2.

Ông gắn bó với nghề suốt 57 năm nay

ÁNH TUYẾT

"Vừa đi bán vừa nuôi con, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ, yêu thương của hàng xóm. Hồi đó, nhiều người nhận trông con giúp, tôi đi bán tới 5 giờ chiều về lại đón con. Tôi bán được đồng nào đóng tiền trọ, mua sữa, mua đồ ăn cho hai ba con", ông nhớ lại.

Con trai ông năm nay 23 tuổi, đã đi làm. Ba con ông thuê một phòng trọ nhỏ ở Q.10, ngày ngày ông vẫn đi bán từ chiều đến tối.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 3.

Người đàn ông kể lại cơ duyên gắn bó với nghề

DƯƠNG LAN

"Tôi hay đi bán về trễ, con cũng hỏi "nay ba bán được không?". Tôi luôn trả lời bán được lai rai, chứ nói bán ế nó cũng buồn", ông cười chia sẻ.

Với người đàn ông này, niềm hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại chính là hằng ngày được đẩy xe gỏi khô bò đi nhiều nơi. Ông thấy vui khi được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Đó cũng là lý do ông quyết định mình sẽ gắn bó công việc này đến hết phần đời còn lại của mình.

Lạc quan đi bán mỗi ngày

Ông Hải chỉ vào xe gỏi và nói rằng, đó là chiếc xe mới được xài vài năm nay còn chiếc xe cũ đã hỏng, không còn dùng được nữa. Chiếc xe đẩy với những nguyên liệu đơn sơ, nào là chai ớt chưng, nước tương, giấm tỏi, khô bò và đu đủ đã thái sợi sẵn.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 4.

Niềm vui của ông là được gặp gỡ, nói chuyện với khách hàng và mọi người

DƯƠNG LAN

Ông cho biết để phần gỏi có hương vị ngon, phần lớn là những nguyên liệu đều tự tay làm và có công thức riêng.

"Tôi đẩy xe bán tới tầm 6 giờ chiều sẽ ngồi nghỉ ngơi, uống nước rồi tiếp tục đẩy đi bán đến 12 giờ đêm. Buôn bán cũng có hôm đắt hôm ế. Mấy hôm trời mưa không bán được nhiều nhưng đi đến đêm, có đắt, có ế tôi cũng về phòng trọ", ông bộc bạch.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 5.

Ông bán từ chiều đến đêm muộn

DƯƠNG LAN

Chỗ ông Hải hay dừng lại bán là trước quán nước của bà Đài Phượng (53 tuổi, ở Q.3). Bà Phượng biết ông Hải từ lúc còn nhỏ, đến lúc bà có gia đình, có con vẫn thấy ông đẩy xe đi bán. Ông cũng hay ngồi ở quán nước hỏi chuyện sức khỏe, buôn bán cho đỡ chán.

"Tôi sống ở đây từ nhỏ, hình ảnh ông Hải đẩy xe gỏi khô bò đi bán rất quen thuộc. Nhìn ông nhỏ con nhưng mỗi ngày đẩy xe đi khắp nơi, chăm chỉ đi bán, không nghỉ ngày nào. Cả đời ông chỉ bán gỏi khô bò, không bán các món khác", bà chia sẻ.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 6.

Ông luôn mong có tiền sẽ làm lại hàm răng đã rụng để tiện ăn uống

DƯƠNG LAN

Mỗi phần gỏi khô bò, ông Hải bán từ 20.000 - 30.000 đồng. Trước dịch Covid-19, lượng khách đông hơn nên thu nhập của ông có phần ổn định, sau dịch khách ghé mua ít nên việc buôn bán khó khăn hơn.

Thấy ông bán món ăn tuổi thơ, nhiều bạn trẻ cũng muốn hỏi công thức chế biến, ông nhiệt tình chia sẻ. "Tôi già rồi, không biết bán được bao lâu nữa, chỉ cho mấy đứa nhỏ nó làm bán, giúp được phần nào cũng vui. Hơn nữa, hương vị gỏi của mình cũng được lưu truyền về sau, học trò tôi cũng được 10 người rồi", người đàn ông chia sẻ.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 7.

Hình ảnh quen thuộc với nhiều người bao năm qua

ÁNH TUYẾT

Ông Hải tâm sự rằng, dù ngày ngày dầm mưa dãi nắng ngoài đường nhưng "trời thương nên không bao giờ có bệnh vặt". Ông luôn cảm thấy may mắn với điều đó. Hiện sức khỏe ông vẫn tốt, chỉ có gặp khó khăn trong việc ăn uống vì hàm răng đã rụng gần hết, không thể nhai được.

Người đàn ông 57 năm bán gỏi khô bò khắp TP.HCM, tìm niềm vui từ nghề - Ảnh 8.

Xe gỏi khô bò của ông Hải

ÁNH TUYẾT

"Lúc nào tôi cũng lạc quan, bán đắt hàng về sớm thì tôi mừng, còn ế mang về cũng bình thường. Được gặp khách, gặp mọi người là vui rồi. Nhiều khi tôi nghĩ đáng lẽ ở tuổi này đã được nghỉ hưu nhưng giờ vẫn phải đẩy xe đi bán hàng ngày nhưng rồi tôi cũng động viên bản thân cuộc sống mỗi người một khác, tiếp tục đi bán, không than vãn", ông tâm sự.

Anh Hà Trọng Ninh (34 tuổi, ở Q.10) là khách quen, thường xuyên mua gỏi của ông Hải. "Mỗi khi đi đường nhìn thấy ông tôi đều dừng lại mua ủng hộ. Ăn gỏi của ông quen thấy ngon. Chúc ông sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề", anh nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.