6 điểm nóng địa chính trị làm chao đảo chứng khoán thế giới

26/11/2015 14:32 GMT+7

Dưới đây là 6 điểm nóng địa chính trị có thể gây ảnh hưởng lớn đến đà đi lên của kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2016.

Dưới đây là 6 điểm nóng địa chính trị có thể gây ảnh hưởng lớn đến đà đi lên của kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2016, theo CNN.

Nhiều điểm nóng địa chính trị có thể gây sức ép với đà tăng của thị trường chứng khoán - Ảnh: ShutterstockNhiều điểm nóng địa chính trị có thể gây sức ép với đà tăng của thị trường chứng khoán - Ảnh: Shutterstock
1. Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS)/Khủng bố
Ảnh: Reuters
IS đang đặt ra những nỗi lo địa chính trị lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Các cuộc tấn công tại Paris làm 130 người thiệt mạng trong thời gian qua cho thấy nhóm khủng bố tạo nên một mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết.
“Khủng bố là một yếu tố được thị trường xem như một sự phát triển tăng tiến. Nó kinh khủng và gây sốc, song thị trường chứng khoán Mỹ lại phản ứng bằng cách tăng điểm”, Ed Yardeni, chủ tịch tư vấn đầu tư của hãng Yardeni Research nói, đề cập đến đợt tăng điểm của chỉ số S&P thêm 3,3% trong tuần trước.
Tuy vậy, các thị trường sẽ chịu áp lực lớn hơn khi các vụ tấn công vẫn tiếp diễn và có khả năng lan rộng ra hơn một thành phố. Đây là nỗi lo ngại cho kinh tế và thương mại toàn cầu.
Mới đây, thủ đô Brussels của Bỉ cũng đã đóng cửa trước mối đe dọa khủng bố. Người lao động làm việc tại gia, còn trung tâm thương mại thì hiện hữu lính gác có vũ trang túc trực 24/7. Peter Vanden Houte, chuyên gia thuộc hãng ING Belgium, cho hay cảnh báo khủng bố có thể khiến GDP của Bỉ mất 0,1% trong năm nay.
Ngoài Pháp và Bỉ, IS còn đe dọa tấn công ở Mỹ. Ngoài IS, vẫn còn vài nhóm khủng bố khác như Al Qaeda và Boko Haram - những thành phần cực đoan vẫn đang nhắm vào phương Tây.
2. Nước Nga
Ảnh: Shutterstock
Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắn rơi Su-24 của Nga hôm 24.11 và báo chí thế giới ngập tràn tin tức về quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong những ngày qua. Tuy nhiên theo CNN, ngay từ trước sự kiện trên, cảm giác Chiến tranh lạnh vẫn còn kéo dài đã hiện hữu ở phương Tây.
Tổng thống Nga và lãnh đạo các nước phương Tây tiếp tục bất đồng trong nhiều mặt, từ tình hình Ukraine và Syria đến an ninh mạng. Mỹ và các nước đồng minh đã phản ứng trước các động thái của Nga bằng lệnh trừng phạt, làm trầm trọng thêm tác động xấu của giá dầu thấp lên xứ sở Bạch dương. Kinh tế nước Nga đang suy thoái với GDP sụt giảm quý thứ 3 liên tiếp.
Cedric Leighton, nhà phân tích quân sự của kênh CNN, cựu sĩ quan tình báo trong lực lượng không quân Mỹ nhận định: “Nga sẽ là thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Mỹ và phương Tây”.
3. Trung Quốc
Ảnh: Shutterstock
Các bất đồng trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Philippines, Đài Loan, Việt Nam là đáng chú ý trong thời gian qua. Hồi tháng 10, Bắc Kinh gọi sự việc Mỹ điều tàu khu trục vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông là “một sự khiêu khích rất nghiêm trọng”.
Ngoài ra, sau nhiều năm phát triển nhanh, nền kinh tế Trung Quốc giờ đây giảm tốc. Điều này có thể kéo kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm sau.
4. Syria và Trung Đông
Ảnh: AFP
Syria là trung tâm của sự hỗn loạn đang lan khắp Trung Đông và gây ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Cuộc nội chiến ở nước này đã kéo dài 5 năm qua, khiến hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người rơi vào cảnh tị nạn và thúc đẩy sự gia tăng của IS.
Hiện tại, các nước châu Âu vẫn đang đau đầu với bài toán khó về dòng người tị nạn Syria, đặc biệt là sau khi vụ khủng bố ở thủ đô nước Pháp xảy ra.
5. An ninh mạng
Ảnh: CNN
Hacker đang đặt ra một mối đe dọa đặc biệt gây nhiều tranh cãi.
Các hoạt động hack với động cơ tài chính đã đi từ các hành dộng phi pháp đơn giản như ăn cắp số thẻ tín dụng đến việc hack các doanh nghiệp một cách phức tạp hơn. Hacker vì mục đích chính trị hiện nay đang tấn công từ mạng của chính phủ Mỹ đến Phố Wall và cả IS.
Các hacker cũng đang tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế nhằm đánh cắp bí mất thương mại có giá trị và các công nghệ quân sự nhạy cảm. Nhóm khủng bố IS thì sử dụng internet như một công cụ để liên lạc và tuyên truyền.
“Có khả năng các thành phần khủng bố có thể “thông minh hơn” trong việc sử dụng internet cho các mục đích phá hoại”, Michael Moran, giám đốc phân tích nguy cơ toàn cầu của hãng tư vấn Control Risks nói.
6. Một số rủi ro khác
Những rủi ro lớn nhất với thị trường toàn cầu là những gì chưa được xác định mức độ gây ảnh hưởng. Đơn cử, không loại trừ khả năng căng thẳng giữa hai nước vốn không mấy hòa thuận là Pakistan và Ấn Độ, dù hiện tại hai bên không có chiến tranh.
Một số yếu tố khác cần quan tâm là Triều Tiên hoặc khu vực châu Phi. Chuyên gia quân sự của kênh CNN Cedric Leighton cho rằng các nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến tình hình châu Phi. Các công ty Mỹ như Starbucks đã có được chỗ đứng trên lục địa này, nhưng các nhóm khủng bố Boko Haram vẫn là mối đe dọa dai dẳng, liên tục.
Dù vậy, theo CNN, giới đầu tư vẫn không nên phản ứng thái quá trước các tiêu đề về địa chính trị có vẻ đáng sợ. Ở Mỹ, thị trường tăng điểm hiện tại đã được chứng minh là khá bền vững để không hề hấn trước nỗi lo tấn công khủng bố.
Nhiều biến sự trên thế giới thời gian qua đã thất bại trong việc làm hỏng thị trường. Điều này có được là vì giá cổ phiếu thường được thúc đẩy bởi lợi nhuận, và lợi nhuận đi lên nhờ tăng trưởng kinh tế. Một sự kiện địa chính trị sẽ phải thực sự đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp trước khi nó có khả năng đảo chiều đà tăng của thị trường chứng khoán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.