Cảnh sát đã mở rộng điều tra sang Bỉ sau khi phát hiện nhiều tình tiết mới trong vụ khủng bố liên hoàn tại thủ đô Paris của Pháp vào ngày 13.11.
Cảnh sát Bỉ bắt một nghi phạm sau vụ tấn công thảm sát - Ảnh: Reuters
|
Tờ Le Monde dẫn lời công tố viên Paris François Molins cho biết tính đến tối 15.11, vụ tấn công đã khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và 352 người bị thương. Theo ông Molins, bọn khủng bố chia thành 3 nhóm phối hợp hành động để cùng lúc tấn công 6 điểm ở trung tâm thủ đô và khu ngoại ô Saint-Denis. Ít nhất 7 tên đã chết, đều do đánh bom tự sát. Những tên này trang bị cùng loại vũ khí là súng AK-47 và áo khoác chứa chất nổ TATP.
|
Như các đồng bọn, sau khi bắn giết điên cuồng ở Bataclan, Mostefaï đã kích hoạt chất nổ để tự sát. Các nhà điều tra đã tìm thấy một phần ngón tay của tay súng này và từ đó truy ra thân thế. Mostefaï sinh ra trong một gia đình gốc Algeria, từng 8 lần bị kết án (giai đoạn 2004 - 2010) nhưng chưa phải ngồi tù vì chỉ là những tội nhẹ như lái xe không bằng lái. Từ năm 2010, hắn bị các cơ quan tình báo xếp vào “hồ sơ S”, tức có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì có xu hướng “cực đoan hóa”. Tuy nhiên, theo công tố viên Molins, Mostefaï chưa bao giờ bị xếp vào nhóm “là thành viên hoặc có liên quan đến một tổ chức khủng bố”.
Cảnh sát Pháp đang tìm hiểu xem hắn thuộc một “chân rết” ở Chartres của IS hay hành động đơn độc tại địa phương nhưng phối hợp từ xa với một mạng lưới ở quốc gia khác, chẳng hạn Bỉ. Hôm qua, lực lượng chống khủng bố và đặc nhiệm Pháp đã tạm giữ 7 người là thân nhân của Mostefaï ở tỉnh Aube và vùng ngoại ô Essone của Paris để phục vụ điều tra.
Bên cạnh đó, cảnh sát Pháp đã tìm thấy hộ chiếu của một công dân Syria sinh năm 1990 gần các mảnh thi thể của một tên tấn công liều chết ở vùng ngoại ô Saint-Denis. Tờ Le Monde dẫn lời giới chức Hy Lạp cho biết chủ nhân cuốn hộ chiếu này là một người Syria nhập cư lậu vào Hy Lạp hồi tháng 10 và đã xin cấp phép để sang Serbia.
“Ổ” Hồi giáo cực đoan ở Bỉ
Cũng trong ngày 15.11, tờ Le Figaro dẫn thông cáo của tòa án Bỉ cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 7 nghi phạm có thể liên quan đến chuỗi tấn công ngày 13.11, đồng thời xác định có 2 tay súng là công dân Pháp nhưng sống tại khu Molenbeek của thủ đô Brussels. Như vậy, có khả năng rất lớn vụ việc liên quan mật thiết tới các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Bỉ. Tay súng Mostefaï cũng được cho là có qua lại với một phần tử cực đoan gốc Bắc Phi sống tại nước này.
Ngoài ra, cảnh sát cũng tìm thấy một chiếc Volkswagen Polo gần Nhà hát Bataclan và một chiếc Seat Leon mà nhiều nhân chứng xác nhận là đã chở các tay súng lần lượt xả súng ở 3 điểm tại Paris vào tối 13.11. Cả 2 chiếc xe do 2 người là anh em ruột thuê ở khu Molenbeek của Brussels. Chiếc Seat Leon đã được phát hiện ở vùng ngoại ô Montreuil của Paris với 3 khẩu AK-47 bên trong. Đến khuya 15.11, nhà chức trách Pháp và Bỉ cho biết đã xác định một trong 2 người này thuộc nhóm tấn công đã bị tiêu diệt ở Nhà hát Bataclan, 1 người đang bị giam giữ và thẩm vấn và còn một người anh em khác đang bị truy nã quốc tế, theo Le Figaro.
Khu Molenbeek vốn bị xem là “ổ” Hồi giáo cực đoan ở Bỉ. Ayoub el-Khazzani, hung thủ âm mưu tấn công “hụt” trên tàu cao tốc Thalys đi từ Amsterdam (Hà Lan) đến Paris (Pháp) cũng từng sống tại đây.
Tưởng niệm các nạn nhân tại Đại sứ quán Pháp Nhiều người Việt đến đặt hoa, viết sổ tang tại Đại sứ quán Pháp - Ảnh: Anh Đan
Ngày 15.11, tại khắp nơi trên thế giới đã diễn ra các buổi thắp nến, cầu nguyện cho các nạn nhân ở Paris. Tại Hà Nội, rất nhiều người VN lẫn nước ngoài đã đến dự lễ tưởng niệm tại Đại sứ quán Pháp. Phải đến 17 giờ, Đại sứ quán Pháp tại phố Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm mới mở cửa nhưng rất nhiều người đã xếp hàng từ trước. Trong số này có vợ chồng chị Abella. Chị cho biết sáng sớm 14.11 theo giờ VN, chị nhận được hung tin từ người nhà sống ở Paris. “Tôi không thể tin đó là sự thật. Thực sự, chưa bao giờ tôi nghĩ chúng tôi sẽ gặp thảm kịch với số người thiệt mạng lớn như vậy. Cầu nguyện cho những người đã nằm xuống”, chị nói với Thanh Niên.
Đặt bó hoa cúc trắng thắt nơ đen lên bàn tưởng niệm, anh Brian, một du khách đến từ Anh, ngậm ngùi kể một người bạn của anh đã thiệt mạng ở Nhà hát Bataclan. “Tôi được bạn bè báo tin trên Twitter và thực sự bàng hoàng. Chỉ trong chốc lát, hàng trăm người đã chết, trong đó có bạn tôi. Đó thật sự là thảm họa”, Brian chia sẻ.
Có mặt tại lễ tưởng niệm, PGS Nguyễn Lân Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Pháp, bày tỏ sự đau buồn trước thảm kịch và nói: “Mong rằng, nước Pháp cũng như thân nhân các nạn nhân sớm vượt qua được nỗi đau này”.
Cùng ngày, đại diện Báo Thanh Niên đã đến gửi vòng hoa và chia buồn tại Tổng lãnh sự quán ở TP.HCM.
Anh Đan - D.Đ.Minh
|
Xác định sơ bộ nạn nhân nước ngoài
Theo AFP, giới chức Pháp và các nước đã bước đầu xác nhận được quốc tịch và nhân thân một số người nước ngoài thiệt mạng và bị thương trong đợt tấn công. Cụ thể, số người chết gồm: 2 người Algeria, 3 người Bỉ (bao gồm 2 người 2 quốc tịch Bỉ - Pháp), ít nhất 1 người Anh, 3 người Chile, 1 người Đức, 1 người Ý, 1 người Mexico, 1 người mang 2 quốc tịch Mỹ - Mexico, 1 người Mỹ, 1 người Ma Rốc, 2 người Bồ Đào Nha (1 người 2 quốc tịch Bồ Đào Nha - Pháp), 2 người Romania, 3 người Tây Ban Nha, 1 người Thụy Điển, 2 người Tunisia. Ngoài ra, có 1 người Ma Rốc, 1 người Thụy Sĩ, 2 người Brazil và nhiều người Mỹ bị thương.
Đến tối qua 15.11, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vẫn đang tích cực liên hệ với cơ quan hữu quan và các bệnh viện để tìm hiểu thông tin và chưa ghi nhận người Việt Nam nào thiệt mạng hay bị thương trong vụ việc. Trọng Kha
|
Bình luận (0)