Chiến tranh giữa Paris

15/11/2015 08:26 GMT+7

Cả nước Pháp bàng hoàng sau chuỗi tấn công liên hoàn vào tối 13.11 (rạng sáng 14.11, giờ Việt Nam) tại thủ đô Paris, làm ít nhất 128 người thiệt mạng và 180 người bị thương.

Cả nước Pháp bàng hoàng sau chuỗi tấn công liên hoàn vào tối 13.11 (rạng sáng 14.11, giờ Việt Nam) tại thủ đô Paris, làm ít nhất 128 người thiệt mạng và 180 người bị thương.

Ít nhất 1.500 binh sĩ Pháp được triển khai ở Paris - Ảnh: ReutersÍt nhất 1.500 binh sĩ Pháp được triển khai ở Paris - Ảnh: Reuters
Tờ Le Monde hôm 14.11 dẫn một “thông cáo” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đứng sau chuỗi tấn công kinh hoàng nói trên.
Lực lượng này khẳng định đã lên kế hoạch “tỉ mỉ” để đáp trả việc Paris tham gia không kích tại Syria và “xúc phạm Muhammad”. Trước đó, Tổng thống Pháp François Hollande nhận định: “Những gì xảy ra tại Paris và khu ngoại ô Saint-Denis là lời tuyên chiến và khi đương đầu với chiến tranh, nước Pháp phải đưa ra những quyết định thích đáng.
Đây là hành động của lực lượng khủng bố IS, với kế hoạch được chuẩn bị và hậu thuẫn từ bên ngoài mà quá trình điều tra sẽ làm rõ”. Ông Hollande tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân và sẽ tăng cường mọi biện pháp an ninh lên mức cao nhất. Tổng thống Pháp cũng cho biết sẽ phát biểu tại phiên họp bất thường của lưỡng viện lập pháp vào ngày 16.11.
Lược đồ vị trí các vụ tấn công theo giờ Paris - Đồ họa: S.DLược đồ vị trí các vụ tấn công theo giờ Paris - Đồ họa: S.D
Chính phủ Pháp đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tăng cường kiểm soát ở khu vực biên giới và đang xem xét áp dụng lệnh giới nghiêm tại Paris. Ngoài ra, hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường an ninh cũng đã được thực hiện: tăng cường 1.500 binh sĩ tại Paris; 300 cảnh sát cơ động được điều tới Stade de France; tạm đóng cửa nhiều điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có tháp Eiffel…
Đêm kinh hoàng ở Paris
Đợt tấn công tối 13.11 đã diễn ra liên tiếp tại 6 khu vực nhiều người qua lại ở thủ đô Paris và khu ngoại ô Saint-Denis. Đây là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất lịch sử Pháp, theo tờ Le Monde. Cảnh sát cho hay 8 tên khủng bố đã chết, trong đó, đáng chú ý là có tới 7 tên kích hoạt khối thuốc nổ buộc trên người để tự sát, tên còn lại bị bắn hạ.
Tất cả khởi đầu ở khu Saint-Denis bằng 3 vụ nổ cách nhau chỉ từ 10 - 20 phút ở gần sân vận động Stade de France, nơi đang diễn ra trận bóng giao hữu giữa Pháp - Đức và có Tổng thống Hollande dự khán. Ông Hollande đã lập tức được đưa đến nơi an toàn.
Về phía khán giả, tuy có chút hoảng loạn lúc đầu và một số người đã tràn xuống sân cỏ, nhưng sau đó đã theo hướng dẫn của cảnh sát rời sân vận động một cách trật tự. Ngoài 3 tên khủng bố đánh bom tự sát, vụ tấn công ở gần Stade de France làm 1 người thiệt mạng.
Gần như cũng cùng lúc đó, 5 vụ tấn công cũng xảy ra tại quận 10 và 11 của Paris. Bọn khủng bố đặc biệt nhắm vào các quán bar và nhà hàng, bao gồm: quán La Belle Equipe (làm ít nhất 19 người chết) ở đường Charonne; quán Le Carillon và quán Le Petit Cambodge (từ 12 - 14 người chết) ở gần giao lộ của 2 đường Bichat và Alibert, quán La Casa Nostra (5 người chết) ở đường Fontaine au Roi...
Trong số này, Le Petit Cambodge là quán của người Pháp gốc Campuchia, có bán nhiều món ăn VN. Nhà báo Laurent Borredon của tờ Le Monde có mặt gần quán này vào thời điểm diễn ra vụ tấn công kể: “Ban đầu, mọi người nghĩ là tiếng pháo nổ, nhưng sau đó thì bắt đầu hốt hoảng bỏ chạy”.
Còn tại quán La Belle Equipe, một nhân chứng tường thuật trong kinh hoàng: “Tôi nghe thấy tiếng súng nổ, liền nhìn ra cửa sổ thì thấy một người đàn ông bước xuống xe hơi và bắt đầu xả súng liên thanh vào các bàn ăn đặt ở hàng hiên”.
Buổi hòa nhạc tang thương
Trong “cơn ác mộng” tại Paris, vụ xả súng ở Nhà hát Bataclan (quận 11) gây thương vong nghiêm trọng nhất, làm ít nhất 82 người chết.
Ít nhất 4 tay súng đã xông vào khán phòng tắt đèn tối om vì nhóm nhạc rock Eagles of the Death Metal của Mỹ vừa bắt đầu trình diễn. Bọn chúng xả súng điên cuồng vào đám đông khoảng 1.500 khán giả, gây nên cơn hoảng loạn tột độ. Một nhân chứng kể trên Le Monde: “Tôi thấy rõ một tên khủng bố, hắn để râu khá rậm, còn trẻ, chỉ độ 20 tuổi. Tôi bị té xuống, kế bên tôi là một cô gái đã chết”.
Người dân tháo chạy khỏi hiện trường 1 vụ tấn công ở Paris - Ảnh: AFPNgười dân tháo chạy khỏi hiện trường 1 vụ tấn công ở Paris - Ảnh: AFP
Theo các nhân chứng, một tên khủng bố đã hét lên: “Tất cả là lỗi của tổng thống chúng mày!”. Sau đó, các tay súng chắn lối ra vào và nhốt khán giả làm con tin. Các đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát Pháp bắt đầu dồn về Nhà hát Bataclan và thiết lập vành đai an toàn dọc theo đại lộ Voltaire. Lực lượng cứu hộ cũng có mặt, dựng sẵn các khu cấp cứu dã chiến để sẵn sàng xử lý tại chỗ cho các nạn nhân trước khi chuyển về bệnh viện.
Bên trong nhà hát, các con tin đã thật sự nếm trải “địa ngục trần gian”. Bọn khủng bố dồn những người bị thương xuống sàn, máu và xác người ở khắp nơi. Khoảng 20 khán giả ở tầng trên đã may mắn nấp kín nên không bị chúng thấy.
Một số người còn tìm cách leo ra ngoài qua một cửa sập. Đây cũng chính là một trong những đường đột nhập vào nhà hát của lực lượng đặc nhiệm. Sau một hồi đọ súng, 1 tên đã bị cảnh sát bắn chết, 3 tên kia kích hoạt khối thuốc nổ đeo trên người để tự sát.
Nhận diện hung thủ
Tối qua, các nhà điều tra bắt đầu công bố một số thông tin thu thập được từ hiện trường. Tờ Le Monde dẫn nguồn tin riêng cho biết hiện cảnh sát đã xác định được danh tính 1 tay súng. Tên này quốc tịch Pháp, khoảng 30 tuổi và đã nằm trong “danh sách đen” của các cơ quan tình báo. Ngoài ra, cảnh sát còn tìm thấy hộ chiếu Syria ở gần xác một tên khủng bố tham gia tấn công tại khu Saint-Denis.
Những gì diễn ra ở Paris vào ngày 13.11 chính là kịch bản tồi tệ nhất mà lực lượng an ninh Pháp lo ngại: tấn công liên hoàn có tổ chức vào những địa điểm đông người. Đáng báo động hơn, đây là lần đầu tiên hình thức khủng bố bằng đánh bom liều chết “du nhập” vào nước này. Ngoài ra, vụ việc xảy ra chỉ khoảng 10 tháng sau đợt tấn công tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo và 1 siêu thị của người Do Thái. Paris và các khu ngoại ô vẫn đang được áp dụng biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất. Thủ đô nước Pháp cũng đang ráo riết chuẩn bị để đón tiếp lãnh đạo rất nhiều nước dự Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP21). Như vậy, theo
Le Monde, các chính sách về an ninh của Pháp đã có lỗ hổng nghiêm trọng và chưa thể theo kịp những diễn biến cực kỳ phức tạp hiện nay: IS tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng; EU thì đang gặp khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng, trong đó có không ít người từ những “điểm nóng” Trung Đông nhập cư lậu thành công vào châu Âu.
“Nước Pháp sẽ càng đoàn kết”
Ngày 14.11, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuel Ly-Batallan chia sẻ với PV Thanh Niên: “Tâm tình lúc này của chúng tôi dành cho các nạn nhân và gia đình, bằng hữu của họ.
Các vụ tấn công nhằm vào nước Pháp. Nhưng, như Tổng thống Hollande đã nói, nước Pháp sẽ càng đoàn kết và quyết tâm đương đầu với khủng bố, và sẽ chiến thắng. Tổng lãnh sự quán Pháp (số 6 Lê Duẩn, Q.1) sẽ mở cửa đón tiếp tất cả người Pháp và bạn bè nào cần hỗ trợ hoặc bày tỏ tinh thần liên đới”.
Chiều qua, hàng trăm công dân Pháp đang sinh sống tại VN, Việt kiều cũng như người dân VN quan tâm đến vụ tấn công vừa xảy ra đã tập trung tại Tổng lãnh sự quán Pháp. Tại đây, họ chia sẻ những thông tin mới cập nhật về quê hương mình, hoặc bày tỏ tinh thần đoàn kết cùng nước Pháp.
N.N.L.C - Độc Lập
Tại sao là nước Pháp ?

Phóng viên tờ The Telegraph Harriet Alexander hôm qua phân tích một số lý do Pháp thường trở thành mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Lý do đầu tiên là Pháp tham gia cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan toàn cầu.
Hiện có trên 10.000 binh sĩ Pháp được triển khai ra nước ngoài, trong đó có hơn 3.000 ở Tây Phi và 3.200 ở Iraq. Hồi tuần rồi, Tổng thống Pháp François Hollande còn tuyên bố Paris sẽ điều tàu sân bay tới vịnh Ba Tư để hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.
Tuy nhiên, bà Alexander nhấn mạnh lý do chính nằm ở trong lòng nước Pháp. Đây là một trong những quốc gia ở châu Âu có tỷ lệ dân số theo đạo Hồi cao nhất và có thể nói là xã hội bị chia rẽ sâu sắc nhất ở châu lục. Bà Alexander lập luận nhiều người theo đạo Hồi ở Pháp luôn có cảm giác bị cô lập, phân biệt đối xử.
Hiện nay, trong các nhà tù ở Pháp ước tính có khoảng 70% tù nhân là người Hồi giáo. Ngoài ra, Pháp còn là nơi dễ bị tuồn vũ khí lậu từ các biên giới ở châu Âu. Trong vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1, những kẻ tấn công đã mua vũ khí từ nước Bỉ láng giềng.
Văn Khoa
Các vụ khủng bố đẫm máu ở châu Âu
Ngày 7.1.2015: Hai tên khủng bố mang súng trường tấn công văn phòng tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người chết và 11 người bị thương.
Ngày 22.7.2011: Thanh niên Na Uy có tư tưởng cực đoan Anders Behring Breivik tiến hành tấn công bằng bom bên ngoài một tòa nhà chính phủ ở thủ đô Oslo trước khi xả súng vào một trại thanh niên, làm tổng cộng 77 người chết.
Ngày 7.7.2005: Một số thành viên mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiến hành 4 vụ đánh bom tự sát trên 3 tàu điện ngầm và 1 xe buýt 2 tầng ở thủ đô London của Anh, khiến 56 người chết và 700 người bị thương.
Ngày 11.3.2004: Các tay súng có liên hệ với al-Qaeda tiến hành hàng chục vụ đánh bom trên 4 xe lửa chạy về hướng Sân vận động Atocha ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, khiến 191 người chết và khoảng 2.000 người bị thương.
Ngày 15.8.1998: Nhóm ly khai của lực lượng du kích Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) tiến hành vụ đánh bom ở thị trấn Omagh thuộc Bắc Ireland (Vương quốc Anh), khiến 29 người chết và 220 người bị thương.
Ngày 19.6.1987: Nhóm ly khai ETA đánh bom bãi đậu xe của một trung tâm mua sắm ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, khiến 21 người chết và 45 người bị thương.
Ngày 2.8.1980: Hai thành viên của một nhóm khủng bố cho nổ bom trong phòng chờ của nhà ga Bologna ở Ý, khiến 85 người chết và 200 người bị thương.
Minh Trung
(Theo AFP)
Lời kể từ “tâm chấn”
Trả lời Thanh Niên, anh Mạnh Linh, một Việt kiều đang làm việc tại Paris, cho biết ngày 14.11 anh vẫn đi làm theo ca thứ bảy nhưng công ty khá vắng vẻ vì nhiều nhân viên xin phép nghỉ ở nhà hoặc làm việc tại nhà. Anh Linh nói thêm: “Đường phố cũng vắng vẻ hơn hẳn so với những ngày cuối tuần trước đó dù ngoài những khu vực xảy ra tấn công, không có nơi nào bị cảnh sát chặn đường.
Trò chuyện với bạn bè và đồng nghiệp, tôi thấy ai cũng tỏ vẻ lo lắng”. Còn chị N.P, một cư dân của quận 11 - tâm điểm của các vụ tấn công tối 13.11 - kể chị ở cách nơi xảy ra xả súng chỉ khoảng 5 phút đi bộ nhưng ngay khi xem “tin nóng” trên truyền hình và nghe tiếng xe cứu thương, xe cảnh sát liên tục qua lại bên ngoài, chị đã đóng chặt mọi cửa nẻo “cố thủ” trong nhà. “Tôi ở nhà suốt từ tối qua và có lẽ chẳng dám ra ngoài đến cuối tuần. Cả khu phố đã bị phong tỏa”, chị chia sẻ.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp Nguyễn Văn Tuân cho biết tính tới 10 giờ ngày 14.11 (16 giờ, giờ Việt Nam), các sinh viên Việt Nam tại Paris đều an toàn. “Là du học sinh tại Paris, tôi và các sinh viên Việt tại Pháp đều đang rất lo lắng, bàng hoàng và thương xót, đau lòng khi chứng kiến cảnh tang thương này.
Chúng tôi hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với du học sinh Việt tại Paris nói riêng và người dân tại Pháp nói chung. 12 giờ sau khi khủng bố đẫm máu diễn ra, tình hình tại Paris cũng như toàn nước Pháp hết sức nóng. Tất cả các bến xe, bến tàu, sân bay, trường học, siêu thị, ngân hàng, nhà hát, và các địa điểm công cộng... đều trong tình trạng kiểm tra hết sức nghiêm ngặt. Hầu hết mọi người đều có tâm lý “nội bất xuất, ngoại bất nhập”!”, anh Tuân chia sẻ.
PV Thanh Niên đã liên lạc được với bác sĩ Mohamed-Rida Benissa của Bệnh viện Georges Pompidou, quận 15, Paris. Tranh thủ chút giờ nghỉ hiếm hoi, bác sĩ Benissa cho biết: “Ngay khi xảy ra tấn công liên hoàn, Paris cũng đặt các bệnh viện vào chế độ “trắng” (plan blanc): toàn bộ bác sĩ và nhân viên y tế đều được huy động đến bệnh viện.
Các phòng cấp cứu, phòng mổ phải được chuẩn bị sẵn sàng, ngay cả khi các nạn nhân chưa được đưa tới. Quy trình điều trị cũng sẽ được thay đổi để kịp thời cứu chữa cùng lúc quá nhiều bệnh nhân, chẳng hạn bác sĩ có thể mổ ngay tại phòng cấp cứu.
Bệnh viện của chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 60 nạn nhân của các vụ tấn công, trong đó có rất nhiều bạn trẻ trên dưới 18 tuổi là khán giả ở nhà hát Bataclan. Phần lớn bị thương rất nặng, những “vết thương kiểu chiến tranh”: phỏng nặng; bị đứt lìa tay, chân… Chúng tôi chia ca trực liên tục, giữa các ca chỉ được nghỉ ngơi vài giờ nhưng luôn phải trong tình trạng sẵn sàng được điều động.”
N.N.L.C
Việt Nam chưa dừng bay đi Pháp
Cục Hàng không Việt Nam cho biết chiều qua 14.11, Cục đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia nhằm nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, triển khai các biện pháp cấp bách về bảo đảm an ninh hàng không.
Các cơ quan liên quan đã thống nhất triển khai một số biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh tại các sân bay của Việt Nam có các chuyến bay đi châu Âu.
Đồng thời, qua đánh giá các biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh hàng không của Pháp, những biện pháp cấp bách mà Vietnam Airlines (VNA) đã triển khai liên quan đến an ninh trên máy bay, tại sân bay Charles De Gaulle, Cục Hàng không quyết định chưa yêu cầu VNA dừng các chuyến bay đi Pháp.
Còn theo thông tin từ VNA, kế hoạch khai thác các chuyến bay đến/đi từ Paris của hãng không thay đổi. Sân bay ở Pháp vẫn mở cửa bình thường nhưng an ninh đã được thắt chặt, vì vậy việc làm thủ tục an ninh có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
VNA khuyến nghị các hành khách đi từ Paris nên đến sân bay sớm ít nhất 3 tiếng trước giờ khởi hành và chuẩn bị kỹ các giấy tờ tùy thân. Hãng này cũng quyết định miễn phí hoàn, hủy đổi vé máy bay đã được xác nhận chỗ trên các chuyến bay giữa VN và Pháp trong 3 ngày từ 15 - 17.11.
Trao đổi với Thanh Niên vào hôm qua 14.11, các công ty du lịch ở Việt Nam cho biết không có tình trạng hủy tour đi Pháp. Theo bà Trần Việt Hương, Giám đốc tiếp thị của Công ty du lịch Vietravel, trong ngày 14.11, đoàn 47 khách Vietravel (chi nhánh Hải Phòng) khởi hành về Việt Nam từ Paris.
Tiếp đó, trong các ngày từ 15 - 21.11, công ty có 10 đoàn đi du lịch châu Âu có dừng tham quan ở Pháp vẫn khởi hành theo lịch bình thường. Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết: “Hiện các đoàn khách của công ty vẫn an toàn ở Pháp và đang rời Paris theo chương trình”.
Mai Hà - N.Trần Tâm
Bên lề
Trong thời gian ở Paris để tham gia trận đấu giao hữu với đội tuyển Pháp tại Stade de France, các cầu thủ của huấn luyện viên Đức Joachim Loew lưu tại khách sạn Molitor. Tuy nhiên, họ đã phải sơ tán khỏi khách sạn ngay trước giờ ăn trưa ngày 13.11 do nhận được thông báo nặc danh cảnh báo về âm mưu đánh bom tòa nhà. Cảnh sát với chó nghiệp vụ nhanh chóng có mặt lục soát khắp Molitor trong nhiều giờ để tìm kiếm những vật khả nghi. Mãi đến đầu giờ chiều, đội tuyển Đức mới trở về khách sạn sau khi cảnh sát gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Mặc dù thật sự hoảng loạn khi nhận lệnh sơ tán tại Stade de France song các cổ động viên Pháp nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và vẫn hát vang bài quốc ca La Marseillaise trong lúc rời khỏi sân.
Một người đàn ông tên Sylvestre kể lại rằng anh ta đã thoát chết trong gang tấc trong cuộc tấn công ở bên ngoài sân vận động quốc gia Pháp nhờ viên đạn trúng vào chiếc điện thoại mà anh ta đang để lên tai nghe.
Dù rất hoang mang song người dân Paris vẫn thể hiện lòng hiếu khách vốn có của mình. Theo tờ USA Today, nhiều người dân Paris đã sử dụng hashtag #PorteOuverte (Cửa vẫn mở) để cung cấp nơi tạm trú an toàn cho những du khách lỡ lạc bước trong thành phố. Còn theo Đài France 24, nhiều tài xế ở Paris đã chở mọi người về nhà hoặc đến nơi trú ẩn miễn phí. Người dân cũng xếp hàng dài trước các bệnh viện để hiến máu.
Các thành viên của ban nhạc rock Eagles of Death Metal đang chơi trong buổi hòa nhạc tại Bataclan đã may mắn thoát nạn nhờ nằm sát sàn sân khấu ngay khi vừa thấy các tay súng tiến vào.
Nhiều tòa nhà chọc trời và biểu tượng trên thế giới như World Trade Center 1 ở New York hoặc Nhà hát con sò ở Sydney trong ngày 14.11 đã được khoác lên mình 3 màu sắc đặc trưng của lá cờ Pháp là xanh, trắng, đỏ như dấu hiệu bày tỏ sự cảm thông cũng như tình đoàn kết với người Pháp.
Châu Yên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.