Trao đổi với Thanh Niên sáng 24.3, đại diện UBND Q.Tây Hồ cho biết, do 4 phương tiện đang án ngữ trên hồ (3 con tàu và 1 bến cập du thuyền) có tải trọng và kích thước rất lớn nên chưa được di dời theo chỉ đạo của thành phố.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực này không đáp ứng yêu cầu để vận chuyển những tàu, thuyền cỡ lớn nên quận đã đề xuất UBND TP.Hà Nội chấp thuận phương án tháo dỡ phương tiện thủy thành từng phần nhỏ để cẩu lên bờ, đưa đến điểm tập kết…
Trước đó, vào năm 2017, do không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện... nên UBND TP.Hà Nội đã ban hành thông báo chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết, đồng thời xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi hồ. Sau đó, 143/147 phương tiện đã được di dời.
Đến cuối năm 2022, UBND Q.Tây Hồ ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thanh thải tài sản, trục vớt tàu đối với Công ty cổ phần nhà nổi hồ Tây và Công ty cổ phần sông Potomac, nhưng các doanh nghiệp này không thực hiện.
Để bảo đảm cơ sở pháp lý, Q.Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, đề nghị cho ý kiến thẩm định phương án, biện pháp cưỡng chế phá dỡ nêu trên. Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã yêu cầu các sở tập trung rà soát tính pháp lý để hướng dẫn UBND Q.Tây Hồ tổ chức thực hiện.
Theo ghi nhận, hiện bên mé hồ Tây vẫn đang tồn tại xác của 3 con tàu cùng 1 bến cập du thuyền (mặt sàn). Do bị bỏ hoang nhiều năm nên những khối sắt này đang hoen gỉ, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý và khai thác hồ Tây, trong đó dự kiến cho phép 12 loại dịch vụ kinh doanh ở khu vực hồ, bao gồm kinh doanh tàu du lịch, biểu diễn nhạc nước, thuyền buồm, dù lượn…
Ở quy định lần này, UBND Q.Tây Hồ sẽ là đầu mối quản lý toàn diện hồ Tây, phối hợp với các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Do đó, việc sử dụng không gian mặt hồ phục vụ các hoạt động VH-TT-DL và vui chơi giải trí phải được Q.Tây Hồ cấp phép.
Trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) được UBND thành phố phê duyệt, khu vực hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Q.Tây Hồ là đơn vị tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu, thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do Q.Tây Hồ quản lý.
Bình luận (0)